Nga thực sự muốn gì trong cuộc khủng hoảng ở Ukraina?
19 Tháng Tư 2021 8:21 CH GMT+7
Việc Moscow dồn quân tới biên giới và triển khai nhiều tàu chiến đến Biển Đen khiến phương Tây lo lắng về ý định của Tổng thống Vladimir Putin cũng như nguy cơ Nga sắp tiến đánh Ukraina.

Các diễn biến kịch tính

Theo giới quan sát, căng thẳng giữa Moscow và Kiev tăng vọt sau khi hàng nghìn lính Nga cùng xe tăng, máy bay, tên lửa và các khí tài quân sự khác tập trung ở khu vực biên giới, trong bối cảnh các cuộc giao tranh giữa quân đội Ukraina và những lực lượng li khai thân Moscow ở miền đông nước này leo thang. Hai bên cũng trục xuất các nhà ngoại giao của nhau trong vài ngày qua.

Nga thực sự muốn gì trong cuộc khủng hoảng ở Ukraina?

Tổng thống Putin (bìa trái) cùng các tướng lĩnh đang theo dõi một cuộc tập trận của Hải quân Nga ở Biển Đen. Ảnh: AP

Các quan chức Ukraina tố cáo Nga đã tiến hành ít nhất 3 cuộc tập trận giáp biên giới nước này kể từ giữa tháng 3 và lập vùng cấm tàu chiến nước ngoài gần eo biển Kerch nối biển Đen với biển Azov để tập trận cho đến tận tháng 10. Kiev và các chính trị gia phương Tây cáo buộc Nga đang chuẩn bị xâm chiếm nước láng giềng.

Tuy nhiên, Dmitry Kozak, một quan chức cấp cao thuộc Điện Kremlin đổ lỗi cho Kiev về những bất ổn ở miền đông Ukraina. Ông Kozak cũng cảnh báo một cuộc xung đột toàn diện có thể là "khởi đầu của sự kết thúc" đối với Ukraina. Cả Kiev và phương Tây đều coi phát biểu này là lời đe dọa, đồng thời kêu gọi chính quyền của ông Putin giảm căng thẳng.

Bất chấp các đồn đoán, Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Putin hôm 16/4 nhấn mạnh, Điện Kremlin lo ngại xung đột toàn diện ở miền đông Ukraina và sẵn sàng tiến hành các bước đi cần thiết để bảo vệ dân thường Nga tại Donbas. Bộ Quốc phòng Nga tuần trước cũng khẳng định, các động thái của nước này nhằm đáp trả các cuộc tập trận mang tính hăm dọa của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu.

Động thái gây tranh cãi

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tuần trước đã công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraina, nhưng không tiết lộ liên minh quân sự này và Washington sẽ thực hiện các bước đi cụ thể nào để chống lại Moscow.

Trong khi đó, báo Politico đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã hủy bỏ kế hoạch điều hai tàu chiến đến Biển Đen tiếp sau sự phản đối của Nga. Lãnh đạo Nhà Trắng cũng chủ động gọi điện cho ông Putin để đề nghị tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nguyên thủ sau khi ông có những nhận xét tiêu cực về người đồng cấp Nga trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Mỹ hồi tháng 3. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói, Điện Kremlin đang xem xét đề xuất của ông Biden.

BBC dẫn lời nhà báo Konstantin Eggert nhận xét, trong "trò chơi bên miệng hố chiến tranh" của ông Putin, ông Biden dường như có dấu hiệu lung lay trước. Động thái mới của tân tổng thống Mỹ hiện là chủ đề gây tranh cãi, với một số ý kiến coi đây là nhằm phòng chống thảm họa, trong khi số khác tin đó là sự nhượng bộ sai lầm. Dẫu vậy, nhiều nhà quan sát nhất trí rằng, trước thềm một hội nghị thượng đỉnh có thể sắp diễn ra, nguy cơ Nga tấn công quân sự Ukraina chắc chắn sẽ giảm dần.

Đài truyền hình quốc gia Nga cũng có chung quan điểm như trên. Những người dẫn chương trình và khách mời trong các cuộc tọa đàm chính trị đã ca ngợi động thái thể hiện sức mạnh của Moscow, tuyên bố đất nước của họ đang đương đầu với sự thù địch của Mỹ và NATO. Thượng nghị sĩ Konstantin Kosachev quả quyết, Mỹ đã nhận ra họ "không thể đạt được ưu thế quân sự trước Nga" và hai nước cần quay trở lại đối thoại.

Ẩn ý của Nga

Theo BBC, khi ông Putin triển khai binh lính cùng khí tài tới miền đông Ukraina cách đây 7 năm, đó là các hoạt động được giữ bí mật cho đến tận ngày nay. Song, lần này, Điện Kremlin công khai hơn và động thái được tin nhằm phát đi các thông điệp hơn là muốn động binh thực sự.

Andrei Kortunov, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu, tư vấn phi lợi nhuận có tên Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga nhận định, các động thái của Moscow có vẻ mang tính răn đe nhiều hơn. Ông nêu ví dụ về các đợt tiếp viện gần đây của Kiev ở miền đông Ukraina và cho rằng hành động của Nga là nhằm ngăn chặn mọi nỗ lực của Kiev trong việc tái chiếm các khu vực đang nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng ly khai thân Moscow.

Ông Kortunov lưu ý, chính quyền Putin hiện có lí do để can thiệp. Hơn nửa triệu người ở hai tỉnh ly khai Donetsk và Luhansk thuộc vùng biên giới Donbass của Ukraina đã được cấp hộ chiếu Nga kể từ năm 2014. Vì vậy, Điện Kremlin sẽ khó có thể khoanh tay đứng nhìn, không giải cứu Donetsk và Luhansk nếu những tỉnh ly khai này đối nặt nguy cơ thất bại nghiêm trọng trước một quân đội Ukraina được huấn luyện và trang bị tốt hơn nhiều so với cách đây 7 năm, nhờ sự hậu thuẫn của Mỹ và châu Âu.

Theo một số nhà phân tích, động thái của Nga cũng có thể nhằm cảnh báo Ukraina (nước đang tìm mọi cách gia nhập NATO bất chấp sự phản đối của Moscow), Mỹ và các nước đồng minh rằng, Moscow có đủ tiềm lực gây ra "các hậu quả" đối với bất kỳ đối tượng nào đang tìm cách buộc họ "phải trả giá".

Tuy nhiên, ông Kortunov hoài nghi việc chính quyền Putin đang có ý định can thiệp trực tiếp bằng vũ lực vào Ukraina. Chuyên gia này giải thích, Nga có thể đang cố tránh một cuộc chiến tranh kéo dài và tốn kém với nước láng giềng. Ông cho rằng, chính sách của Moscow sẽ là tập trung hơn vào việc duy trì hiện trạng và để mặc các vấn đề ở Ukraina bùng nổ, khiến Kiev trở nên kiệt quệ, cảm thấy bất an và mệt mỏi với phương Tây,

Hiện cũng có ý kiến xem các động thái gần đây của Nga là một phần của chiến lược thổi bùng chủ nghĩa dân tộc quốc gia nhằm thu hút thêm sự ủng hộ đối với đảng Nước Nga thống nhất của Tổng thống Putin trước thềm bầu cử quốc hội vào tháng 9 tới, giữa lúc đảng này đang bị sụt giảm tín nhiệm của cử tri trong một số cuộc thăm dò dư luận mới đây.

Ý định của chính quyền Putin có thể trở nên rõ ràng hơn vào tuần này khi ông đọc thông điệp liên bang, một sự kiện thường niên mà lãnh đạo Điện Kremlin thường tận dụng để công kích phương Tây. Dù thế nào, theo nhà báo Eggert, ông Putin đã thành công trong việc thu hút sự chú ý của cả Mỹ và châu Âu, đồng thời khiến họ "e sợ về những gì ông đang làm".

Theo vietnamnet.vn

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.