Đầu những năm 80, những chiếc tàu hộ vệ săn ngầm lớp Petya II/III (Project 159) được Chính phủ Liên Xô viện trợ cho Việt Nam và dần chuyển về Lữ đoàn 171. Ngoài làm nhiệm vụ tuần tiễu, săn ngầm, các tàu này còn tham gia chốt giữ bảo vệ một số đảo ở Trường Sa năm 1988.
Tàu hộ vệ săn ngầm 17 của Lữ đoàn 171 đang thực hiện dò tìm mục tiêu trên vùng biển Trường Sa, 2019. ẢNH: MAI THANH HẢI
“Cũ người mới ta”
Đầu tháng 11.1978, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô (cũ) ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác toàn diện. Tháng 12.1978, các loại tàu (săn ngầm, phóng lôi, tên lửa, quét mìn, đổ bộ...) và vũ khí đặc chủng khác được bạn chở sang Việt Nam, giao trực tiếp cho các đơn vị hải quân. Trong số này, có 2 tàu hộ vệ săn ngầm 159AE được hải quân Liên Xô tổ chức huấn luyện, bàn giao tại Vùng 3 hải quân. Ngày 12.2.1979, Lữ đoàn 161 trực thuộc Bộ tư lệnh hải quân (BTLHQ) được thành lập, gồm các tàu của hải đội 173 và 2 tàu hộ vệ săn ngầm 159AE mới nhận, mang số hiệu HQ-09 và HQ-11.
“Hai tàu săn ngầm hạ thủy từ những năm 60, đã phục vụ trong hải quân Liên Xô gần 20 năm, nhưng khi chuyển giao cho ta, vẫn là loại hiện đại nhất quân chủng", trung tá Nguyễn Xuân Trình, nguyên trợ lý tác chiến Vùng 3 hải quân, nguyên thuyền trưởng tàu hộ vệ săn ngầm HQ-17 của Lữ đoàn 171 nhớ vậy và hồi tưởng: “Không chỉ có lượng giãn nước gần 1.200 tấn, tàu còn chạy nhanh (tốc độ tối đa 29-32 hải lý/giờ) và trang bị vũ khí mạnh (pháo hạm, pháo phòng không, 2 hệ thống rocket săn ngầm phóng loạt RBU-6000 và 2 hệ thống ngư lôi chống ngầm cỡ 400 mm)”.
Biên đội tàu tuần dương, khu trục, vận tải của Lữ đoàn 171 đi làm nhiệm vụ, năm 1981. ẢNH: TƯ LIỆU QCHQ
Tháng 10.1981, lần đầu tiên Hải quân Việt Nam tổ chức diễn tập săn ngầm với khóa mục tìm và diệt tàu ngầm, ở cửa vịnh Bắc Bộ, cách TP.Đà Nẵng khoảng 25 - 70 hải lý, với sự phối hợp của các chuyên gia Liên Xô. Trong hơn 3 tiếng đồng hồ, các tàu săn ngầm, trực thăng đã phát hiện, truy kích tàu ngầm và công kích mục tiêu bằng bom chìm, ngư lôi.
“Nghị quyết giữ đảo”
Đầu tháng 7.1981, Hạm đội 171 chấn chỉnh thành Lữ đoàn 171 và cuối tháng 4.1984, được chuyển từ Quân chủng hải quân (QCHQ) về Vùng 4 hải quân. Trong các năm 1983 - 1985, phía Liên Xô tiếp tục viện trợ cho Việt Nam thêm 3 tàu hộ vệ săn ngầm 159A và Vùng 3 hải quân đưa vào huấn luyện, hoàn tất mới bàn giao cho Lữ đoàn 171 quản lý sử dụng (tàu HQ13, HQ15 bàn giao ngày 9.1.1984, HQ-17 ngày 9.1 .1985).
Tàu hộ vệ săn ngầm HQ-13 của Lữ đoàn 171 chuẩn bị đi làm nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa, tháng 3.1988. ẢNH: TƯ LIỆU QCHQ
Cuối 1986, phía Trung Quốc tăng cường trinh sát, thăm dò ở Trường Sa. Giữa năm 1987, Tư lệnh hải quân điều chuyển nguyên canh cả 2 tàu hộ vệ săn ngầm HQ-09 và HQ-11 của lữ đoàn 161 (Vùng 3 hải quân) từ TP.Đà Nẵng vào Lữ đoàn 171. Cuối tháng 10.1987, QCHQ ra mệnh lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Trường Sa.
Đại tá Phạm Xuân Hoa, nguyên Lữ đoàn trưởng 171 kể: Từ cuối 1987, tàu của đơn vị đã hành quân ra Trường Sa bảo vệ chủ quyền (CQ-88). Cấp trên quán triệt “quần đảo của ta, nhưng nằm trong khu vực tranh chấp với các nước xung quanh, lực lượng ta vừa thiếu vừa yếu”, nên lữ đoàn phải ra nghị quyết về việc “thực hiện nhiệm vụ chốt giữ các đảo - bãi đá san hô, cơ động cấp cứu, hộ tống chi viện, nghi binh và cơ động chiến đấu”. “Những đảo ta đang đóng giữ, đối phương đến xâm chiếm thì phải xua đuổi. Nếu họ chiếm đảo thì phải báo cáo về sở chỉ huy và kiên quyết đánh trả, thậm chí lao tàu lên bãi làm bia chủ quyền. Không được để tàu chìm ra ngoài bãi, làm mất mục tiêu”, ông Hoa rành rọt.
Tàu của hải đội 812, Lữ đoàn 171 trực bảo vệ chủ quyền đảo chìm trên quần đảo Trường Sa. ẢNH: TƯ LIỆU QCHQ
Vừa giữ được đảo vừa không phí tàu
Lâu nay, nói đến chiến dịch bảo vệ chủ quyền năm 1988 (CQ-88) ở Trường Sa, người ta thường nhắc đến các đơn vị hải quân như Lữ đoàn phòng thủ đảo 146, tàu vận tải 125, công binh 83… Ít ai biết: Lực lượng của tàu tuần tiễu săn ngầm 171 không chỉ đâm va cản phá, sẵn sàng chiến đấu với tàu Trung Quốc mà còn trực tiếp đóng giữ một số đảo.
Trung tá Nguyễn Viết Chức, nguyên thuyền trưởng tàu HQ-07 kể: Cuối tháng 2.1988, tàu HQ-07 vừa đi nhiệm vụ về, chưa kịp khắc phục hư hỏng (chân vịt phải, hầm máy trái…) thì Tư lệnh Giáp Văn Cương bay từ TP.Hải Phòng vào, xuống tàu giao nhiệm vụ “Ra giữ đảo Tốc Tan bằng mọi giá”. Vài tiếng đồng hồ bổ sung dầu, nước, lương thực thực phẩm, tàu lại nhổ neo ra Trường Sa, vừa hành quân vừa sửa chữa hư hỏng.
Biên đội ra đóng giữ Tốc Tan, ngoài tàu pháo HQ-07 trọng tải 640 tấn (nguyên là tàu hộ tống PCE-MSF số hiệu HQ-13 của hải quân VNCH, ta thu sau ngày 30.4.1975), còn có tàu HQ-713. Chỉ huy biên đội là trung tá Hoàng Kim Nông, Phó lữ đoàn trưởng về chính trị (nay là Chính ủy).
Điểm A đảo Tốc Tan, Trường Sa, tháng 1.2021. ẢNH: MAI THANH HẢI
Sáng 25.2.1988, biên đội tàu của Lữ đoàn 171 đến khu vực Tốc Tan - Núi Le - Tiên Nữ. Thấy tàu Trung Quốc có dấu hiệu chiếm đóng trái phép đảo Tốc Tan, chỉ huy biên đội quyết định hạ xuồng lên đảo cắm cờ khẳng định chủ quyền. Tổ cắm cờ gồm 6 người, do trung tá Hoàng Kim Nông trực tiếp chỉ huy. Cắm cờ xong, biên đội bố trí 2 ca xuồng trực 24/24 bảo vệ cờ. Đe dọa không hiệu quả, các tàu Trung Quốc phải rút đi.
“Lệnh của Tư lệnh Giáp Văn Cương là cho tàu ủi lên bãi Tốc Tan, nhưng tôi tìm được cửa luồng, điều khiển tàu vào trong hồ và cho cắm cờ khẳng định chủ quyền rồi. Tội gì phải ủi bãi làm hỏng tàu”, ông Chức cười và kể tiếp: “Cắm cờ ngày 25.2, mãi ngày 27.2 tàu HQ-13 do đi lạc xuống Thuyền Chài, mới quay trở lại và viết điện báo cáo về bờ, nên trong lịch sử mới ghi là đóng giữ Tốc Tan ngày 27.2.1988. Sau này, Tư lệnh Giáp Văn Cương ra kiểm tra, có nói đùa: Chống lệnh cấp trên nhưng mà tốt và hết chiến dịch, tôi được huân chương chiến công hạng 2”.
Liên tục trực bảo vệ Tốc Tan trong 132 ngày đêm, ông Chức và bộ đội tàu HQ-07 đã vượt qua mọi khó khăn: “Sóng to gió lớn, mưa nắng thất thường. Nước ngọt chia nhau từng ca nhỏ. Thời gian cuối hết gạo, phải ăn lương khô cả chục ngày. Nhiều người bị phù nề, không đi nổi”.
Kíp chiến đấu trên tàu hộ vệ săn ngầm thuộc lữ đoàn 171. ẢNH: MAI THANH HẢI
Hộ vệ săn ngầm đối đầu tàu pháo
Đầu tháng 11.1987, thuyền trưởng tàu hộ vệ săn ngầm HQ-17 Nguyễn Xuân Trình vừa kết thúc chuyến công tác dài ngày ngoài Trường Sa thì nhận lệnh “tuần tiễu - tiếp tế cho Trường Sa và nhiệm vụ khác”. Cứ nghĩ hàng hóa chỉ là thư từ sách báo, lương thực thực phẩm như thường lệ. Nhưng khi công binh chuyển xuống tàu xi măng, sắt thép, bộ đội tàu HQ-17 mới bảo nhau: “Chuyến này sẽ ác liệt và dài ngày”. Do là tàu chiến đấu, không có hầm hàng như tàu vận tải, nên vật liệu xây dựng được chuyển hết xuống phía dưới, chất dọc lối đi. Trước khi nhổ neo, ông Trình lệnh cho bộ đội, mỗi người xách 2 can nước ngọt (60 lít) để dưới gầm giường để phục vụ sinh hoạt hàng ngày và giữ ổn định tàu. “Tàu thiết kế chỉ đi biển tối đa 10 ngày nên khoang chở nước rất hạn chế. Chuyến ấy chúng tôi chở 140 người, không trữ là chết”, ông Trình kể.
Ra đến đảo Trường Sa, tàu ghé cấp hàng vài ngày rồi nhổ neo ra trực ở đảo chìm Đá Lát cho đến khi lực lượng phòng thủ đảo đóng giữ xong (5.2.1988), lại hành quân sang Đá Lát bảo vệ công binh tôn tạo công trình trên đảo Đá Lớn (6.2.1988). Do Đá Lớn có tầm quan trọng đặc biệt, tàu Trung Quốc rập rình chiếm đóng trái phép, nên tàu hộ vệ săn ngầm HQ-17 có nhiều vũ khí mạnh, nhận lệnh chốt giữ dài ngày.
Trung tá Nguyễn Xuân Trình (nguyên thuyền trưởng tàu hộ vệ săn ngầm HQ-17, lữ đoàn 171) kể lại những ngày đối đầu tàu chiến Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền Trường Sa, đầu năm 1988 (ảnh chụp tháng 7.2021). ẢNH: NGÔ TRẦN HẢI AN
Thượng tá Bùi Văn Bền, Chính ủy Lữ đoàn 171 (Vùng 2 hải quân) kể: Tàu hộ vệ săn ngầm HQ-17 đã 4 lần có mặt ở những nơi căng thẳng nhất, răn đe tàu chiến Trung Quốc và bảo vệ chủ quyền Đá Lớn; tàu HQ-668 bảo vệ Đá Đông trong 6 tháng, liên tục ngăn cản tàu Trung Quốc… (còn tiếp)
Trong chiến dịch CQ-88, Lữ đoàn 171 huy động 28 tàu đóng giữ các đảo trọng điểm, có mặt ở những nơi ác liệt nhất, ngăn chặn tàu thuyền Trung Quốc. Các tàu HQ-661, 13, 07, 713 là lực lượng đầu tiên bảo vệ các đảo Tốc Tan, Núi Le, Đá Lát, Đá Đông; liên tục 4 - 5 tháng, các tàu HQ-17, 13, 15, 11, 668, 666, 965, 187, 188 kiên cường bám trụ bảo vệ các đảo Đá Lát, Đá Đông, Đá Lớn, Len Đao, Thuyền Chài”…
(Lịch sử lữ đoàn 171)
Theo thanhnien.vn