TS. Nguyễn Toàn Thắng tại buổi tọa đàm.
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm diễn ra chiều 23/10, diễn giả TS. Nguyễn Toàn Thắng, Trưởng Bộ môn Công pháp quốc tế, Khoa Pháp luật quốc tế, Đại học Luật Hà Nội đã phân tích và làm rõ quy chế pháp lý của các cấu trúc trên biển gồm đảo, đá và bãi nửa nổi nửa chìm.
Theo TS. Nguyễn Toàn Thắng, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 dựa vào sự lên xuống của thủy triều để xác định một cấu trúc là đảo, đá hay bãi nửa nổi nửa chìm, từ đó thiết lập các vùng biển bao quanh các vùng đất này.
Điều 121 khoản 1 của UNCLOS quy định, đảo là vùng đất tự nhiên được bao bọc bởi nước biển, vẫn nhô lên khỏi mặt nước khi thủy triều lên cao nhất, có các vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa như đất liền.
TS Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh, điều kiện quan trọng nhất để một cấu trúc được công nhận là đảo phải là yếu tố “tự nhiên”, tức những cấu trúc do con người xây dựng, thiết lập sẽ không bao giờ được coi là đảo. Sự phân biệt này là đặc biệt cần thiết trong bối cảnh khoa học công nghệ không ngừng phát triển khiến việc xây dựng công trình nhân tạo gần bờ, xa bờ không còn quá phức tạp với các quốc gia.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn trong việc xác định một cấu trúc là gì đến từ việc hiện nay có nhiều phương pháp xác định thủy triều. Bản thân UNCLOS cũng không quy định rõ ràng. Do đó, việc áp dụng phương pháp nào phụ thuộc vào ý chí của quốc gia, gây nên sự phức tạp trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
Nếu một cấu trúc thỏa mãn là đảo, và gần bờ, đảo đó được coi là điểm cơ sở để xác định đường cơ sở. Nếu là đảo xa bờ, đảo đó có đầy đủ các vùng biển như đất liền.
Việc xác định một đảo là gần bờ hay xa bờ cũng phụ thuộc vào cách giải thích của các quốc gia ven biển. Theo quan điểm hiện nay, đảo được xem là gần bờ khi cách đường cơ sở khoảng 24 hải lý, hợp thành từ 12 hải lý của đất liền và 12 hải lý của đảo. Tuy nhiên, đây chỉ là con số tham khảo, không mang tính ràng buộc.
Cách xác định bãi nửa nổi nửa chìm, đá, đảo dựa vào thủy triều.
|
Một cấu trúc theo điều 121, khoản 3 của UNCLOS được xác định là đá khi cấu trúc đó dù nổi trên mặt nước biển vào thời điểm thủy triều lên cao nhất song không thích hợp cho con người đến ở hoặc không phù hợp cho điều kiện kinh tế. Đá không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi trong việc xác định cơ sở của việc “thích hợp cho người đến ở”: dựa vào diện tích hay dựa vào tiềm năng của cấu trúc (như nước ngọt)...
So với đảo, đá, bãi nửa nổi nửa chìm có vai trò hạn chế hơn trong việc thiết lập các vùng biển, phụ thuộc vào vị trí của cấu trúc này so với đất liền hoặc đảo. Nếu cách đất liền hoặc đảo một khoảng trong giới hạn lãnh hải, bãi nửa nổi nửa chìm được xác định làm điểm cơ sở. Ngược lại, bãi nửa nổi nửa chìm được coi chỉ là phần đáy biển nhô lên, ở trong vùng nào có quy chế của vùng đó.
Ngoài ra, trong khuôn khổ buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Toàn Thắng cũng cho biết, việc xây dựng các công trình nhân tạo trên các đá hay bãi nửa nổi nửa chìm dù là vì các mục đích hàng hải, dân sinh, du lịch... cũng không làm thay đổi quy chế của cấu trúc tự nhiên ban đầu. Bởi nếu tính theo sự phát triển khoa học công nghệ, quy chế của các cấu trúc sẽ luôn thay đổi. Các quốc gia chỉ có thể thiết lập vùng an toàn 500m quanh các công trình nhân tạo.
Trong phần hỏi đáp, một người tham dự tọa đàm đặt câu hỏi trong vụ kiện Philippines – Trung Quốc, giả định tòa Trong tài Thường trực (PCA) xác định có thẩm quyền, liệu có thể viện dẫn việc Trung Quốc yêu sách trái phép thiết lập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa bao quanh cấu trúc ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, dù với cấu trúc Okinotorishima có diện tích tương tự Trung Quốc lại yêu sách là đá (Nhật Bản yêu sách là đảo) hay không, và việc viện dẫn này có tác dụng gì hay không?
Trả lời câu hỏi này, TS. Nguyền Toàn Thắng cho hay có thể viện dẫn trường hợp trên với tính chất tham khảo để thấy rằng quan điểm của quốc gia không đồng nhất với những thực thể tương tự nhau. Nhưng các thực thể liệu có giống nhau hay không, nếu được yêu cầu, tòa mới tiến hành xem xét.
Toạ đàm “Quy chế của các cấu trúc trên biển” là buổi tọa đàm pháp lý thứ hai trong chuỗi các buổi tọa đàm pháp lý của năm học 2015-2016 do Khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao tổ chức. Các buổi tọa đàm pháp lý thu hút sự tham gia của các chuyên gia, học giả nghiên cứu về các vấn đề như tranh chấp Biển Đông...