Những diễn biến gần đây ở Biển Đông - một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới - là hồi chuông báo động. Hòa bình và ổn định tại Đông Nam Á có nguy cơ bị phá vỡ.
Đầu tháng 7, nhóm tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống, đã xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của Việt Nam (EEZ) ở Biển Đông.
Tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống, xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của Việt Nam.
Philippines và Malaysia cũng phải đối mặt với sự áp chế tương tự từ Trung Quốc trong vùng biển này.
Ai chịu trách nhiệm trước những diễn biến này? Liệu có sự tôn trọng luật pháp?
Trước khi tìm lời giải cho những câu hỏi này, cần hiểu về Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 - công ước được phê chuẩn rộng rãi - với quy định mọi quốc gia hàng hải đều có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và 12 hải lý lãnh hải hoặc thềm lục địa.
Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei đều đã ký UNCLOS và phê chuẩn từ lâu. Indonesia cũng như vậy. UNCLOS nghiêm cấm sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp trên biển.
Hành động rõ ràng vi phạm các quy định của UNCLOS, Trung Quốc đưa ra yêu sách bao trùm hơn 90% diện tích Biển Đông bằng việc đưa ra cái gọi là đường 9 đoạn gây tranh cãi - đề cập đến một giới hạn phân định mơ hồ, không rõ ràng. Yêu sách mà Trung Quốc đưa ra còn nói tới “những quyền lịch sử” vốn không được nêu trong các quy tắc hàng hải quốc tế, chồng lấn với các quốc đảo và quốc gia duyên hải gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và thậm chí cả Indonesia.
Trung Quốc đưa ra yêu sách bao trùm hơn 90% diện tích Biển Đông bằng việc đưa ra cái gọi là đường 9 đoạn phi pháp.
Toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc dựa trên đường 9 đoạn và các quyền lịch sử đã bị Tòa trọng tài ở Hague bác bỏ trong phán quyết đưa ra năm 2016. Tuy nhiên, Bắc Kinh không chấp nhận điều này và tiếp tục thực hiện các yêu sách chủ quyền của họ thông qua các hành động phi pháp, áp chế.
Trung Quốc đã xây dựng nhiều đảo nhân tạo trái phép và thiết lập các cơ sở quân sự trên đó. Trung Quốc cũng ra sức cản trở những hoạt động đánh bắt và khai thác tài nguyên tự nhiên của các nước có tuyên bố chủ quyền khác trong vùng lãnh thổ hợp pháp của họ.
Xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Vụ việc mới nhất đang diễn ra ở bãi Tư Chính thể hiện rõ ràng bản chất các hành động của Trung Quốc. Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 200 hải lý trong khi cách biên giới hàng hải của Trung Quốc khoảng 600 hải lý. Nhưng Trung Quốc đem cái gọi là đường 9 đoạn để tuyên bố rằng, bãi Tư Chính nằm trong EEZ của họ.
Trong nỗ lực ngăn chặn hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam, Trung Quốc đã triển khai tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 và một đội tàu hộ tống được vũ trang mạnh.
Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút ngay toàn bộ đội tàu ra khỏi bãi Tư Chính. “Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp ngoại giao với Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như khu vực”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ trong cuộc họp báo gần đây.
Việt Nam quyết tâm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đóng góp vào hòa bình ổn định, an ninh khu vực và quốc tế. Ảnh: Đoàn Bổng
“Với quyết tâm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đóng góp vào hòa bình ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế”, bà Hằng nhấn mạnh.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc làm như vậy. Năm 2017 và 2018, Trung Quốc cũng đã có những hành động cản trở Việt Nam hoạt động dầu khí hợp pháp.
Gần đây, một tàu Trung Quốc đã đâm và làm chìm một tàu cá Philippines đang neo đậu ở Bãi Cỏ Rong, cách đảo Palawan khoảng 160km.
Hàng trăm tàu biển có vũ trang của Trung Quốc hoạt động thường xuyên và bất hợp pháp ở vùng nước xung quanh đảo Thị Tứ, đe dọa các hoạt động của ngư dân Philippines.
Manila cũng lên tiếng phản đối về việc di chuyển trái phép của 4 tàu chiến và tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc qua vùng biển Philippines.
Tháng 5 năm nay, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã tuần tra quanh Bãi cạn Luconia nằm trong EEZ của Malaysia.
Quốc tế lên án
Mỹ đã chỉ trích các hành động khiêu khích và đơn phương của Trung Quốc. “Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn tranh chấp ở Biển Đông, cùng với các hành động khác nhằm khẳng định yêu sách hàng hải bất hợp pháp ở Biển Đông bao gồm việc sử dụng dân binh để đe dọa, áp chế các nước khác, phá hoại hòa bình và an ninh khu vực”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Deann Ortagus nói với báo giới gần đây tại Washington.
Nhật Bản, EU, Pháp, Đức, Anh, Canada, Australia và các nước khác lên án các hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông và kêu gọi một trật tự dựa trên luật lệ.
Hội luật gia dân chủ quốc tế (IADL) cũng ra tuyên bố lên án Trung Quốc vi phạm các quyền hợp pháp của Việt Nam ở Bãi Tư Chính. “Hành động này rõ ràng vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982”, IADL cho biết.
“IADL yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng dừng việc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, ngừng tiến hành các hoạt động làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng giữa các bên, bắt đầu tập trung vào việc xây dựng lòng tin để duy trì an ninh, hòa bình và ổn định ở Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung”, tuyên bố nêu rõ.
Nhà giàn DK1. Ảnh: Đoàn Bổng
IADL thành lập năm 1946, là một tổ chức phi chính phủ với vai trò ủng hộ và duy trì luật pháp quốc tế, bảo vệ quyền của các dân tộc được phát triển, bình đẳng về kinh tế và tiếp cận những thành quả tiến bộ khoa học cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên. IADL có tư cách cố vấn tại Hội đồng kinh tế và Xã hội LHQ (ECOSOC).
Bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh đã và đang tiến hành nhiều hoạt động phi pháp, áp chế và khiêu khích ở Biển Đông.
ASEAN và cộng đồng quốc tế có thể làm gì
Đầu tiên và quan trọng nhất là lên án các hành vi khiêu khích đơn phương của Trung Quốc. Các hành vi này vi phạm luật pháp quốc tế liên quan đến EEZ và thềm lục địa của các nước Đông Nam Á có chủ quyền ở Biển Đông.
Cộng đồng quốc tế cần tạo áp lực để Trung Quốc lập tức rút nhóm tàu Hải Dương 8 và các tàu khác ra khỏi Bãi Tư Chính để giảm căng thẳng.
Cần đạt được nhận thức chung giữa các quốc gia ASEAN. Tổ chức này cần đóng vai trò trung tâm và dẫn dắt các sáng kiến để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Nếu hòa bình duy trì, cả ASEAN và Trung Quốc cùng thịnh vượng. Cần nhanh chóng hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Tất cả những gì chúng ta cần là một COC hiệu quả, ràng buộc về mặt pháp lý dựa trên UNCLOS 1982 và các quy tắc quốc tế khác để đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
IADL đã thúc giục tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông - cũng là những nước đã ký kết UNCLOS, tuân thủ và tôn trọng các quy định hàng hải quốc tế.
Nếu không thượng tôn pháp luật, bên lớn hưởng lợi, cạnh tranh và căng thẳng gia tăng. Đây không phải là chọn lựa. Hòa bình là ưu tiên hàng đầu.
Theo vietnamnet.vn