Đà Nẵng chọn đồ án Nhật Bản để xây Nhà trưng bày Hoàng Sa
Thursday, May 01, 2014 6:04 AM GMT+7
Vượt qua 43 đồ án tham dự cuộc thi, đồ án của nhóm tác giả thuộc Công ty TNHH Kiến trúc WRIGHT (Nhật Bản) do KTS Fuminori Minakami làm chủ nhiệm đã chính thức được Đà Nẵng chọn để xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa

Như tin đã đưa, trong cuộc trả lời phỏng vấn “trải lòng” trước khi về hưu với báo điện tử Infonet trưa 28/04, ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa cho biết đã chính thức chọn được phương án thiết kế để xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa. Đó chính là đồ án mang mã số RS3112 của nhóm tác giả thuộc Công ty TNHH Kiến trúc WRIGHT (Nhật Bản) do KTS Fuminori Minakami làm chủ nhiệm với sự cộng tác của hai KTS Trần Quốc Thành và Nguyễn Huy Quang.

Phối cảnh phương án thiết kế mang chủ đề “Con dấu và dấu mốc chủ quyền – Sự khẳng định về bĩ về chủ quyền bờ cõi”của nhóm tác giả thuộc Công ty TNHH Kiến trúc WRIGHT (Nhật Bản) do KTS Fuminori Minakami làm chủ nhiệm với sự cộng tác của hai KTS Trần Quốc Thành và Nguyễn Huy Quang được chọn để xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa

Với chủ đề “Con dấu và dấu mốc chủ quyền – Sự khẳng định về bĩ về chủ quyền bờ cõi”, phương án thiết kế này là kết quả của ứng dụng kỹ thuật mới và ngôn ngữ kiến trúc hiện đại trên nền không gian kiến trúc và điêu khắc Việt, sử dụng vật liệu đá tự nhiên với kỹ thuật chế tác đá nổi tiếng của các nghệ nhân Đà Nẵng và các vùng miền, dân tộc.

Nhằm nhấn mạnh về ý tưởng con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam, hình tượng con dấu vua Minh Mạng trong Sắc chỉ thành lập Hải đội Hoàng Sa năm 1835 trở thành dấu mốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo hiện đang bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép này.

Cấu trúc hình vuông hội tụ nguyên khí giao thoa của trời đất, hình vuông còn là hệ lưới tọa độ căn bản của quốc tế để xác định vị trí lãnh thổ. Hình ảnh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được điêu khắc trên mặt đứng kết hợp với hiệu ứng ánh sáng đem lại tính biểu tượng cao cho Nhà Trưng bày Hoàng Sa.

Hai khối chính của công trình hòa quyện vào nhau là biểu tượng của sự thống nhất ý chí, khẳng định vị trí và sự tồn tại của Hoàng Sa đã được xác nhận bởi thư tịch cổ trong nước cũng như của hơn 49 quốc gia trên thế giới, như một minh chứng lịch sử cho chủ quyền biển đảo Hoàng Sa của Việt Nam được bạn bè quốc tế công nhận.

Khoảng giao thoa giữa hai khối chính của công trình là khối lõi trưng bày biểu trưng cột mốc chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam được đặt trên nền mặt nước. Dấu mốc chủ quyền là trung tâm cấu trúc của công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa và cũng là ý tưởng xuyên suốt của phương án.

Nền dốc dùng màu đỏ - tượng trưng cho lá cờ Tổ quốc, màu máu của những người con dân tộc đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, cho trái tim, tâm hồn mỗi người Việt Nam - bao bọc xung quanh mốc chủ quyền thiêng liêng, thể hiện tư tưởng độc lập, tự chủ, tự cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Với ý nghĩa đó, công trình sẽ là tiếng nói quan trọng củng cố niềm tin trong lòng công chúng về sự hiện hữu của một phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Đây cũng là đồ án nhận được phiếu bầu chọn nhiều nhất của công chúng trong số 3 đồ án giành giải Nhì cuộc thi tuyển Đồ án kiến trúc Nhà Trưng bày Hoàng Sa” – ông Đặng Công Ngữ cho hay.

Trả lời phỏng vấn Infonet, ông Đặng Công Ngữ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa cho rằng Nhà trưng bày Hoàng Sa nên là một công trình của nhân dân thì mới thực sự có ý nghĩa! (Ảnh: HC)

Trước đó, như Infonet đã đưa tin, UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý chọn khu đất có diện tích 700m2 trên đường Hoàng Sa (góc ngã ba Hoàng Sa – Lê Văn Thứ) hướng ra biển Đông để xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa nhằm lưu giữ, giới thiệu với công chúng các hình ảnh, hiện vật về quần đảo thuộc chủ quyền nước CHXHCN Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép.

Tháng 11/2013, UBND huyện Hoàng Sa thông báo mời tất cả các tổ chức, cá nhân hành nghề thiết kế kiến trúc, quy hoạch trong và ngoài nước tham gia thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc Nhà trưng bày Hoàng Sa. Theo ông Đặng Công Ngữ, Ban tổ chức khá bất ngờ khi chỉ sau một tháng phát động đã có tới 43 đồ án gửi về dự thi. Mỗi ý tưởng thiết kế đều thấm đẫm tinh thần yêu nước, nặng lòng với Hoàng Sa.

Đáng chú ý, tuy ở một đất nước xa xôi nhưng đồng cảm với vấn đề chủ quyền, KTS Fuminori Minakami với sự cộng tác của hai KTS Trần Quốc Thành và Nguyễn Huy Quang (Công ty TNHH Kiến trúc WRIGHT, Nhật Bản) là một trong những tác giả gửi đồ án dự thi sớm nhất. Vị KTS người Nhật này cũng luôn bày tỏ với UBND huyện Hoàng Sa sự chia sẻ về vấn đề Hoàng Sa như những người bạn hết sức tâm huyết, nhiệt thành.

Tháng 01/2014, UBND TP Đà Nẵng đã thành lập Hội đồng Giám khảo cuộc thi tuyển phương án kiến trúc Nhà Trưng bày Hoàng Sa do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam làm Chủ tịch, nhằm lựa chọn giải pháp tốt nhất, đảm bảo tính mỹ thuật, ý nghĩa lịch sử và xã hội của công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa. UBND huyện đảo Hoàng Sa cũng giới thiệu các phương án trên trang web http://www.hoangsa.danang.gov.vn/ để nhân dân góp ý.

Kết quả, đồ án của KTS Fuminori Minakami cùng các đồng sự lấy ý tưởng từ con dấu chủ quyền lịch sử, sắc chỉ của vua Minh Mạng lập hải đội đến Hoàng Sa vào năm 1835 để minh chứng mốc chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam đã chính thức được chọn làm phương án thiết kế xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Ông Đặng Công Ngữ cho biết ban tổ chức sẽ tiếp tục thông qua bản thiết kế chi tiết của đồ án để sớm khởi công xây dựng nhà trưng bày Hoàng Sa. Ngoài ra, ông Đặng Công Ngữ cũng cho rằng, nên phát động đồng bào trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài chung ta đóng góp cho việc xây dựng công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa.

“Chúng tôi nghĩ đây phải là một công trình của nhân dân thì mới thực sự có ý nghĩa. Vì khi người dân có sự đóng góp, họ mới nhớ ra: À, mình cũng có một phần đóng góp vào trong việc này, đóng góp vào sự đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Như thế thì người ta sẽ nhớ, mà nhớ rất là lâu.

Và câu chuyện không chỉ dừng lại ở đây mà sẽ lưu truyền qua nhiều thế hệ. Và từ sự đóng góp đó mà sẽ có một không gian về Hoàng Sa để cho các thế hệ trẻ, bạn bè bốn phương tới và thấy rằng Hoàng Sa là của Việt Nam từ lâu nay, có những lịch sử, có những bằng chứng. Tận mắt họ nhìn thì họ mới thấy đầy đủ, và mới thấy niềm tin của họ thực sự được xác thực!” – ông Đặng Công Ngữ nói.

HẢI CHÂU

Theo Infornet

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.