Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay xâm phạm vùng biển Việt Nam
Thursday, October 03, 2019 8:10 PM GMT+7
TTO - Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 3-10 xác nhận nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc lại tiếp tục mở rộng hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam.

Một lần nữa, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển Việt Nam và không để tái diễn hành động vi phạm tương tự. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông bằng các biện pháp luật pháp quốc tế cho phép.

Bà Thu Hằng nêu tại họp báo hôm 3-10

Theo giới quan sát, đây là lần thứ tư tàu khảo sát Trung Quốc và nhóm tàu hộ tống quay lại xâm phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam từ tháng 7 năm nay.

Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay xâm phạm vùng biển Việt Nam - Ảnh 1.

Tàu hải cảnh 3901 trọng tải 12.000 tấn, một trong những con tàu được nhận diện có tham gia hộ tống tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc - Ảnh: chinaplus.cri.cn

Bác bỏ phát ngôn của Cảnh Sảng

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 3-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định những hành động trên của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

"Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này và đã có giao thiệp với phía Trung Quốc" - bà Hằng nhấn mạnh.

Tại họp báo, báo giới cũng đặt câu hỏi về phản ứng của Việt Nam đối với phát biểu ngày 18-9 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngang ngược cho rằng "Trung Quốc có quyền chủ quyền và tài phán đối với vùng nước ở bãi Tư Chính trong khu vực quần đảo Nam Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam)".

Người phát ngôn Thu Hằng khẳng định lập trường của Việt Nam về vấn đề này đã được nêu rõ trong tuyên bố ngày 12-9.

Theo đó, khu vực mà Trung Quốc gọi là "bãi Vạn An" (bãi Tư Chính) thực chất là bãi ngầm, là một phần của đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS 1982.

"Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có chồng lấn vì Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra yêu sách đối với khu vực này. UNCLOS 1982 và thực tiễn xét xử thời gian qua đã khẳng định rõ điều này" - bà Hằng nêu rõ.

Vì sao Trung Quốc "cù nhây"?

Những phản ứng, không chỉ của Việt Nam mà còn nhiều quốc gia trên trường quốc tế, khẳng định Trung Quốc quá xem thường luật pháp quốc tế. Việc điều nhóm tàu quay lại lần thứ tư là minh chứng cho điều đó. Động cơ nào khiến Trung Quốc tỏ ra hung hăng như vậy vào thời điểm này?

Trả lời Tuổi Trẻ, chuyên gia người Mỹ về an ninh Elbridge Colby khẳng định Trung Quốc đang thực hiện cách tiếp cận "cắt lát salami" - một thuật ngữ giới quan sát đã từng sử dụng để nói về cách Trung Quốc ngang nhiên hành động và âm thầm biến Biển Đông thành "sự đã rồi", bằng cách tạo cảm giác cho phần còn lại chấp nhận những biểu hiện phi pháp như sự thật hiển nhiên.

Là cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách chiến lược và phát triển lực lượng, ông Colby nhìn nhận rằng hiện nay đa số dư luận quốc tế bị hút vào câu chuyện chiến tranh thương mại và vấn đề Hong Kong nên Trung Quốc đang muốn tận dụng tính thời điểm để hành động.

Trong khi đó, giáo sư Anak Agung Banyu Perwita (Trường quan hệ quốc tế, President University, Indonesia) nhận định rằng thông qua các hành vi độc đoán, Trung Quốc đang ôm mộng bá chủ ở Biển Đông. Ông Anak ủng hộ ý kiến của các chuyên gia Biển Đông về việc Việt Nam và các nước như Malaysia, Indonesia và Philippines tăng cường phối hợp để đảm bảo an ninh. 

Theo học giả này, điều quan trọng của hợp tác là nâng cao niềm tin lẫn nhau dựa trên trật tự khu vực, và "không ai bị bỏ lại phía sau nếu chúng ta thực sự muốn tìm kiếm một nền hòa bình trong khu vực".

"Tôi sẽ ủng hộ ý tưởng hợp tác giữa tất cả các nước liên quan, trong đó có Việt Nam. Chỉ có hợp tác, chúng ta mới có thể đạt được sự thịnh vượng chung và ổn định hơn cho khu vực. ASEAN có thể là một phương tiện rất tiềm năng để đạt được điều đó và nó cũng sẽ đưa ASEAN vào vị trí quan trọng trong kiến trúc an ninh khu vực" - vị chuyên gia Indonesia chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Sự hung hăng của Trung Quốc không cho phép các quốc gia khác đứng yên và với Việt Nam càng không.

Hôm 2-10, truyền thông Ấn Độ đưa tin Việt Nam sẽ đưa chuyện Biển Đông vào nội dung bàn thảo với Ấn Độ tại một diễn đàn đối thoại an ninh trong tháng 10 này ở TP.HCM. 

Tờ Hindustan Times dẫn lời đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết: "Chúng tôi hi vọng sẽ có thể bàn bạc không chỉ về an ninh hai nước, mà còn là những vấn đề gây lo ngại cho toàn bộ khu vực và đặc biệt, chúng tôi sẽ mang tình hình Biển Đông ra thảo luận".

Ấn Độ là một trong ba quốc gia Việt Nam có quan hệ đối tác toàn diện chiến lược. Tháng 8-2019, Ấn Độ cho biết nước này có "lợi ích không thay đổi" trong việc duy trì hòa bình và ổn định của khu vực, đồng thời kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Và thái độ cương quyết của Việt Nam nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế, không chỉ Ấn Độ.

40

Đó là số lần Việt Nam giao tiếp với Trung Quốc về việc Bắc Kinh đưa tàu khảo sát vi phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam kể từ tháng 7 năm nay, theo tiết lộ của đại sứ Phạm Sanh Châu với báo Hindustan Times. Đại sứ Châu cho biết Trung Quốc đã điều tới 28 tàu các loại khi xâm phạm vùng biển Việt Nam.

Theo tuoitre.vn

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.