"Các hành động của Kiev đang đặt thế giới bên bờ vực của thảm họa hạt nhân. Chúng tôi không thể để chuyện này xảy ra", Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin ngày 13/9 cảnh báo.
Binh sĩ Nga đứng gác tại nhà máy Zaporozhye ở Ukraine (Ảnh: AFP).
Ông Volodin cho biết, Mỹ có thể ở xa nhà máy điện hạtnhân Zaporozhye, nhưng "các đồng minh NATO của họ ở châu Âu sẽ chịu thiệt hại" trong trường hợp phát tán phóng xạ. Ông nói thêm rằng, mặc dù chính phủ Mỹ và các nghị viện EU im lặng về mối đe dọa hạt nhân, nhưng nhiều quốc gia khác trên thế giới chia sẻ mối quan ngại này cùng Nga.
Zaporozhye là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Nga kiểm soát thành phố Energodar và nhà máy này từ giữa tháng 3, không lâu sau khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trong tháng 8, nhà máy Zaporozhye liên tiếp bị pháo kích hoặc tấn công bằng máy bay không người lái. Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau về các vụ tập kích này. Kiev cáo buộc Moscow dùng nhà máy làm căn cứ quân sự, đưa các vũ khí hạng nặng đến đây. Tuy nhiên, Moscow khẳng định chỉ cử một nhóm binh sĩ canh gác để bảo vệ nhà máy.
Phái đoàn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) bắt đầu thanh sát nhà máy Zaporozhye trong một nỗ lực nhằm tránh thảm họa hạt nhân giữa lúc chiến sự ở Ukraine leo thang. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, việc các thanh sát viên của IAEA đến kiểm tra nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye là cần thiết và Nga sẵn sàng hợp tác với phái đoàn của IAEA.
Vị trí nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye (Zaporizhzhia) ở Ukraine (Ảnh: BBC).
IAEA ngày 6/9 đã tổng hợp kết quả của chuyến thị sát tới các cơ sở điện hạt nhân ở Ukraine, bao gồm nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye, và công bố báo cáo. Trong báo cáo, IAEA kêu gọi thiết lập ngay một khu vực an ninh xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye. IAEA tuyên bố sẵn sàng tiến hành ngay các cuộc tham vấn về vấn đề này nhằm giúp ngăn chặn sự cố hạt nhân có thể gây ra do hành động quân sự của các bên.
Tổng giám đốc IAEA thông báo với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng ông sẽ sớm gửi đề xuất về việc thiết lập khu vực an ninh xung quanh nhà máy Zaporozhye cho các bên.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, chính quyền Ukraine sẽ ủng hộ lời kêu gọi của IAEA về việc thiết lập một khu vực an ninh xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye, nếu sáng kiến này bao gồm việc phi quân sự hóa nhà máy.
Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya cho biết Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã đưa ra sáng kiến này từ "vài tháng trước".
"Trong hoàn cảnh hiện tại, việc phi quân sự hóa không phải là một biện pháp để bảo vệ nhà máy. Cách hợp lý duy nhất để đảm bảo rằng nhà máy được bảo vệ khỏi các vụ tai nạn hạt nhân là Ukraine ngừng các cuộc pháo kích vào nhà máy", nhà ngoại giao Nga tuyên bố.