Tại một sự kiện kín liên quan tới đảng Fidesz cầm quyền của Thủ tướng Hungary Viktor Orban vào tuần trước, ông Orban đã nói với những người ủng hộ ông rằng, Ukraine có thể sẽ mất từ 1/3 đến 1/2 lãnh thổ do cuộc xung đột với Nga.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban (Ảnh: Reuters).
Thủ tướng Orban cảnh báo, cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine có thể kéo dài đến năm 2030. Theo ông Orban, cuộc khủng hoảng ở Ukraine bắt đầu như một cuộc xung đột cục bộ, nhưng sự can dự của phương Tây đã biến nó thành một vấn đề toàn cầu.
Thủ tướng Hungary được cho là tiếp tục chỉ trích các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lên Nga liên quan tới chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine. Ông Orban cho rằng EU đã "tự bắn vào chân mình" khi trừng phạt Nga.
Ông nói thêm rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng xảy ra do những biện pháp trừng phạt của EU có thể buộc 40% ngành công nghiệp châu Âu phải đóng cửa vào mùa đông này.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Hungary cũng tiết lộ, các nhà lãnh đạo châu Âu dự kiến sẽ quyết định kéo dài các lệnh trừng phạt thêm 6 tháng nữa vào mùa thu. Ông Orban nhấn mạnh, cần phải nỗ lực để ngăn chặn việc gia hạn đó.
Theo ông Orban, với tình hình diễn ra theo chiều hướng hiện tại, khu vực đồng tiền chung Euro và EU có thể ngừng tồn tại vào năm 2030.
Trước đó, Gergely Gulyas, Chánh văn phòng Thủ tướng Hungary, cho biết cả Ukraine và Nga đều đang ở trong tình huống rất khó xử. Ông nói thêm rằng "cơ hội hòa bình" lúc này là "rất nghèo nàn", mặc dù Moscow "có lợi thế hơn" trong cuộc xung đột, thậm chí họ có thể xác định điều gì sẽ tạo nên chiến thắng và tuyên bố chiến thắng "gần như bất cứ lúc nào".
Quan chức Hungary cũng cảnh báo về mối đe dọa trước bất kỳ sự can dự trực tiếp nào của NATO vào cuộc xung đột hiện nay, đồng thời nói thêm rằng các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga cho đến nay đã phản tác dụng, gây tổn hại cho khối nhiều hơn mục tiêu dự kiến. Ông Gulyas lưu ý các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã "mang lại nguồn thu đáng kinh ngạc" cho Moscow. Hơn nữa, ông tin rằng các chính sách của EU có thể dẫn đến việc Nga ngày càng rời xa châu Âu trong khi xích lại gần hơn với châu Á.
Theo ông Gulyas, mặc dù Hungary cùng với Mỹ lên án hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, điều này không có nghĩa là Hungary chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự đối với Moscow, vì điều này sẽ đi ngược lại lợi ích quốc gia.
Hungary cho đến nay vẫn tương đối trung lập kể từ khi nổ ra xung đột ở Ukraine vào cuối tháng 2. Hungary đã từ chối gửi vũ khí cho Kiev và liên tục chỉ trích các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Moscow. Hungary, quốc gia phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, cũng có thể đàm phán để được miễn trừ khỏi lệnh cấm của EU đối với dầu của Nga.
Đầu tháng này, Mikulas Bek, Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Cộng hòa Séc, hiện là chủ tịch Hội đồng EU, cảnh báo lập trường của Hungary đối với Nga về mặt lý thuyết có thể khiến nước này rời khỏi khối.