"Hòa bình không chỉ đơn giản là không còn xung đột. Vì vậy, quan điểm của một số chính trị gia phương Tây rằng, việc ngồi xuống bàn đàm phán là điều đầu tiên cần phải làm trước khi có hòa bình ở Ukraine, là một sai lầm cơ bản", ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết trong bài viết đăng trên The Economist.
Các thành viên trong phái đoàn đàm phán Nga - Ukraine (Ảnh: Sputnik).
Theo ông Yermak, việc kêu gọi cả hai bên đối thoại, trước khi Nga thừa nhận Ukraine với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, là vô lý.
"Cho đến khi các quốc gia phương Tây tạo ra các cơ chế hiệu quả để ngăn chặn Nga, trừng phạt họ và buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng chỉ cho phép Nga vũ khí hóa chính sách ngoại giao, tạo cơ hội cho họ chuẩn bị cho hành động quân sự tiếp theo", ông Yermak nhấn mạnh.
Ông Yermak nhắc lại công thức hòa bình gồm 10 điểm do Tổng thống Volodymyr Zelensky công bố tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng trước.
"Việc ngồi vào bàn đàm phán để xác nhận kết thúc giao tranh nên là điều cuối cùng trong lộ trình hòa bình. Có 9 điều khác phải được thực hiện trước, tất cả đều dựa trên các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và các quy tắc của luật pháp quốc tế", ông Yermak giải thích.
"Một mục tiêu đặt ra là Nga rút quân khỏi tất cả các vùng lãnh thổ của Ukraine được quốc tế công nhận và chấm dứt hoàn toàn các hành động quân sự. Để thực hiện được điều này, Ukraine cần tiếp tục nhận được sự hỗ trợ quân sự và kỹ thuật để đảm bảo ưu thế của chúng tôi trên chiến trường và bảo đảm cơ sở hạ tầng dân sự của chúng tôi", ông Yermak nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G7 hôm 12/12, Tổng thống Zelensky đề xuất 3 bước nhằm đẩy nhanh quá trình tiến tới hòa bình trong cuộc xung đột với Nga.
"Bước đầu tiên là một lực lượng mới. Ukraine cần các xe tăng hiện đại, và tôi cũng kêu gọi các nước (G7) trang bị năng lực phòng thủ cho chúng tôi. Ukraine cần hỗ trợ pháo binh với súng và đạn pháo. Chúng tôi cũng cần nhiều pháo phản lực và tên lửa tầm xa hơn. Bước thứ hai là khả năng phục hồi mới. Chúng tôi phải duy trì sự ổn định về tài chính, năng lượng và xã hội trong năm tới. Thứ ba là một chính sách ngoại giao mới. Ukraine luôn dẫn đầu tiến trình đàm phán và làm mọi cách để ngăn chặn sự leo thang căng thẳng của Nga", Tổng thống Ukraine tuyên bố.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 11, Tổng thống Zelensky đã nêu "công thức hòa bình" gồm 10 điểm nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Các đề xuất bao gồm đảm bảo an ninh hạt nhân, phóng xạ; an ninh lương thực, năng lượng; thả toàn bộ tù binh; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine và trật tự thế giới; Nga phải rút quân và ngừng các hành động thù địch, tránh leo thang căng thẳng và bồi thường thiệt hại chiến tranh.
Mặc dù phát tín hiệu sẵn sàng đàm phán, song Tổng thống Zelensky nhấn mạnh Ukraine sẽ "không thỏa hiệp về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" để có được hòa bình. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, các đề xuất hòa đàm mà Ukraine đưa ra là "phi thực tế và không đầy đủ".