Reuters đưa tin, Nhật Bản ngày 16/12 thông báo về kế hoạch quốc phòng 5 năm trị giá 320 tỷ USD, cao nhất kể từ sau Thế chiến II. Nhật Bản dự kiến dùng số tiền này để gia tăng năng lực của lực lượng phòng vệ. Theo đó, từ năm 2023-2027, Nhật Bản sẽ chi số tiền trên để hiện đại hóa lực lượng quân sự, mua sắm khí tài.
Một chiến hạm của Nhật Bản (Ảnh: Reuters).
Theo giới quan sát, con số 320 tỷ USD từng được xem là kỷ lục, trong bối cảnh căng thẳng khu vực đang leo thang trong thời gian qua.
Reuters nhận định, với khoản ngân sách này, Nhật Bản sẽ trở thành nước chi tiêu quốc phòng lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc, dựa vào con số ngân sách hiện tại.
Thủ tướng Kishida Fumio nhận định Nhật Bản đang ở một "bước ngoặt lịch sử". Ông cho biết, kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng này là "câu trả lời cho những thách thức an ninh khác nhau mà chúng ta phải đối mặt".
Yoji Koda, cựu đô đốc Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản, nhận xét: "Kế hoạch này đang đặt ra một hướng đi mới cho Nhật Bản. Nếu được thực thi một cách phù hợp, Lực lượng Phòng vệ sẽ là một lực lượng hiệu quả ở đẳng cấp thế giới".
Hồi cuối tháng trước, Thủ tướng Kishida đã chỉ thị các bộ trưởng trong nội các lên phương án để tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng lên mức 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 5 năm.
Chính quyền của ông Kishida đã cam kết tăng "đáng kể" chi tiêu quốc phòng để đối phó lại điều mà Tokyo mô tả mối đe dọa an ninh ngày càng tăng từ Trung Quốc.
"Thủ tướng Kishida đang đưa ra một tuyên bố chiến lược rõ ràng về vai trò của Nhật Bản với tư cách là bên đảm bảo an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cho biết, nhấn mạnh Tokyo đang có mục tiêu gia tăng sức mạnh răn đe.
Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo cáo buộc Nhật Bản, trong chiến lược an ninh mới, đã đưa ra những tuyên bố không chính xác về hoạt động quân sự của Bắc Kinh tại khu vực.
Vào tháng 11, hãng thông tấn Nikkei của Nhật Bản dẫn nguồn tin cho biết, Tokyo dường như đang lên kế hoạch trang bị các tên lửa siêu vượt âm có khả năng bay nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh cho quân đội nước này vào năm 2030. Đây được xem là một bước đi nhằm tăng cường năng lực tác chiến của Nhật Bản trước những thách thức an ninh đang ngày càng trở nên trầm trọng trong khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, Nhật Bản có thể đang cân nhắc việc mua thêm các vũ khí uy lực như tên lửa hành trình Tomahawk do Mỹ sản xuất. Việc chế tạo một phiên bản mới của tên lửa Type 12 hiện đại có sẵn trong biên chế với khả năng phóng từ tàu ngầm cũng đang được Tokyo khẩn trương nghiên cứu.
Trước đó, nhiều nguồn tin thân cận với chính phủ Nhật Bản xác nhận Tokyo sẽ thành lập một bộ tư lệnh liên quân nhằm chỉ huy và điều phối hoạt động tác chiến của các lực lượng lục quân, không quân và hải quân nước này.