Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông: Động thái mới, thủ đoạn cũ
12 Tháng Năm 2014 5:43 SA GMT+7
Nhiều chuyên gia, học giả cho rằng, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép trong vùng biển Việt Nam là dấu hiệu cho thấy căng thẳng đang leo thang tại Biển Đông.

Vì từng là nghiên cứu viên Trung tâm Thông tin hải dương Trung Quốc, tác giả của hơn 90 bài báo về vấn đề biển và Luật Biển đã đăng tải trên các báo chí Trung Quốc nên những đánh giá, nhận xét của học giả Lý Lệnh Hoa được giới chuyên môn và dư luận quan tâm khi ông cho rằng, Trung Quốc là một trong những quốc gia ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, do đó phải tuân theo điều thứ 74 và 83 của UNCLOS - phải tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển xung quanh. Học giả Lý Lệnh Hoa đưa ra nhận định này khi viết blog cá nhân tối 06/05 (đăng trên mạng sina.com), sau khi phóng viên tờ Thời báo Hoàn Cầu liên hệ hỏi quan điểm của ông về việc Trung Quốc đưa giàn khoan hải dương 981 (HD-981) đến khoan và tác nghiệp tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngoài ông Lý Lệnh Hoa, nhiều chuyên gia, học giả cũng cho rằng, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép trong vùng biển Việt Nam là dấu hiệu cho thấy căng thẳng đang leo thang tại Biển Đông.

Tiếp tục chiến thuật “vừa ăn cướp, vừa la làng”

Ngày 06/05, tờ Thời báo Hoàn Cầu, phụ trương của tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng bài “Trung Quốc nên có thái độ cứng rắn với Hà Nội”, cùng khẳng định Bắc Kinh sẽ không bao giờ ngừng đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam. Bởi theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, việc đưa HD-981 đến vị trí có tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc - 111o12’06” kinh Đông, nằm gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, là nằm trong “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Đồng thời cho rằng, nếu ngừng việc đưa HD-981 vào vùng biển Việt Nam sẽ là một thất bại lớn đối với chiến lược Biển Đông của Trung Quốc. Ngoài ra, tờ Thời báo Hoàn Cầu cũng cho rằng, Việt Nam “gây ồn ào” nhằm tăng thêm mặc cả để có cơ hội thắng thế trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông!

Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc

Những tuyên bố ngang ngược, hung hăng của tờ Thời báo Hoàn Cầu lập tức khiến dư luận trong và ngoài khu vực phản ứng. Nhiều chuyên gia coi đây là một cuộc xâm lấn không tiếng súng trên Biển Đông và Trung Quốc quyết thực hiện bằng mọi giá chiến lược độc bá Biển Đông. Bởi ngày 5/5, Cục Hải sự Trung Quốc đã quyết định mở rộng bán kính cấm tàu thuyền lai vãng khu vực giàn khoan HD-981 khoan và tác nghiệp trái phép trên vùng biển Việt Nam lên 3 hải lý (4,8km) so với 1 hải lý công bố hôm 03/05. Ngay sau khi Hãng Reuters đăng tải thông tin kể trên, Hãng AP lập tức bình luận và coi đây là hành động mới nhất trong chuỗi hành động mang tính khiêu khích của Bắc Kinh trên Biển Đông, gây tình hình căng thẳng với các nước ASEAN và lôi kéo sự chú ý của Mỹ tới khu vực này. Hãng AP cũng dẫn lời Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam Ngô Ngọc Thu cho biết, các tàu Trung Quốc đã đâm, tấn công tàu Việt Nam bằng vòi rồng và coi đây là sự việc nghiêm trọng nhất xảy ra trên biển giữa Hà Nội và Bắc Kinh trong nhiều năm qua.

Trong cuộc điện đàm với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chiều 06/05, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng: Việt Nam không nên can thiệp vào hoạt động của các công ty Trung Quốc tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa! Ông Dương Khiết Trì còn trắng trợn tố cáo Việt Nam “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Trung Quốc khi can thiệp vào các hoạt động bình thường của công ty Trung Quốc” ở quần đảo Hoàng Sa. Còn tại cuộc họp báo ngày 05/05, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho rằng, giàn khoan HD-981 đang hoạt động trong vùng biển của Trung Quốc!

Không thể “cả vú lấp miệng em”

Điều đáng nói là động thái kể trên của Trung Quốc diễn ra trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 (hội nghị cấp cao đầu tiên trong năm chủ tịch 2014 của Myanmar, từ 10 đến 11/05 tại thủ đô Nay Pyi Taw), để thương đàm về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Hội nghị này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và ASEAN tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Và vấn đề Biển Đông sẽ là chủ đề được quan tâm tại hội nghị lần này. Theo tờ The Philippine Star, Tổng thống Philippines Benigno Aquino sẽ cung cấp cho những người đồng cấp ASEAN thông tin về vụ kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài quốc tế, đồng thời thúc đẩy việc hoàn tất COC tại hội nghị này. Giới chuyên môn cảnh báo, mặc dù tham vấn ASEAN - Trung Quốc về việc xây dựng COC được khởi động từ tháng 09/2013, nhưng vẫn chưa đi vào thương lượng thực chất. Dư luận chung cho rằng, Bắc Kinh muốn kéo dài thời gian thương đàm về COC và chỉ ký Bộ Quy tắc này khi nào có lợi nhất cho họ.

Theo nhận định của chuyên gia về Biển Đông của Trung tâm Belfer thuộc Trường đại học Harvard Holly Marrow, đây là bằng chứng cho thấy Trung Quốc quyết tâm khai thác dầu tại các vùng biển tranh chấp. Bà Holly Marrow cảnh báo, đây là bước đi không thể tránh được và Trung Quốc sẽ tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí trên thực địa tại các khu vực tranh chấp. Theo ông Mike McDevitt, Đô đốc hải quân nghỉ hưu, hiện là Trưởng ban nghiên cứu chiến lược thuộc Trung tâm phân tích hải quân Mỹ, tuy những hành động nhỏ và đơn lẻ không dẫn tới xung đột, nhưng cùng với thời gian, nó sẽ dần làm thay đổi hiện trạng. Và sẽ có thêm nhiều động thái như thế nữa trong thời gian tới.

Giới quan sát cảnh báo, hành động đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam của Trung Quốc đang ảnh hưởng tới an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, không có lợi cho hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và thế giới. Dư luận cho rằng, tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều rủi ro và nguy cơ sau khi Trung Quốc tiếp tục khẳng định và triển khai yêu sách “đường lưỡi bò”.

Cảnh báo đối với Mỹ?

Ngày 07/05, tờ Straits Times dẫn lời học giả Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore coi đây là động thái tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và thông qua việc này Trung Quốc muốn gửi thông điệp tới Tổng thống Mỹ sau khi ông Barack Obama vừa kết thúc chuyến thăm 4 nước châu Á. Trước đó (05/05), Đài VOA đưa tin, đứng trước tình thế Trung Quốc ngày một hung hăng trên Biển Đông, một số chuyên gia an ninh Mỹ đã thúc giục Washington phải thay đổi cách tiếp cận, nhanh chóng hoạch định một chiến lược đối với Biển Đông. Học giả Steven Groves, chuyên gia pháp lý quốc tế và là thành viên cao cấp của Quỹ Heritage có trụ sở tại Washington cho rằng, chiến lược của Mỹ hiện nay ở Biển Đông hiệu quả không cao, do đó cần hoạch định chiến lược quốc gia ở Biển Đông như những gì đã làm với Bắc Cực.

Giới phân tích coi đây là động thái mới của Bắc Kinh nhằm tiến thêm một bước để thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông, nếu như các nước hữu quan không có hành động ngăn chặn. Ông Ely Ratner, cựu quan chức Phòng Các sự vụ Trung Quốc thuộc Chính phủ Mỹ cho rằng, nếu cộng đồng quốc tế không đứng ra nói rõ việc này rất quan trọng, việc tuân thủ quy tắc và luật pháp quốc tế rất quan trọng, thì con đường giải quyết tranh chấp Biển Đông sẽ bị gián đoạn và Washington sẽ rơi vào tình thế khó khăn. Theo ông Ely Ratner, trong ngắn hạn Mỹ cần tích cực giúp Philippines thúc đẩy vụ kiện “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, đồng thời thúc giục Bắc Kinh tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, giải quyết vấn đề tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

Ngày 07/05, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki một lần nữa bày tỏ quan ngại về hành động của tàu Trung Quốc ở Biển Đông và cho rằng, việc tàu Trung Quốc cố tình đâm vào các tàu của Việt Nam là cách hành xử nguy hiểm và mang tính hăm dọa. Trước đó (06/05), bà Jen Psaki cho biết, Washington đang xem xét việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 một cách thận trọng. Đồng thời nhấn mạnh, với các căng thẳng từng xảy ra ở Biển Đông, quyết định hạ đặt giàn khoan HD-981 của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp (thực chất là vùng đặc quyền kinh tế chính đáng của Việt Nam) là khiêu khích và không có lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Cũng trong ngày 6/5, khi làm việc tại Hongkong, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, ông Daniel Russel nói rằng, Washington đang xem xét vụ giàn khoan HD-981 của Trung Quốc và đề nghị các bên liên quan thận trọng, kiềm chế.

Những nhận định khác nhau

Ngày 05/05, Tạp chí Chính sách đối ngoại (Foreign Policy) của Mỹ cho rằng, Trung Quốc đã tính toán kỹ thời điểm cũng như vị trí dựng giàn khoan HD-981 ở Biển Đông. Theo nhận định của Giáo sư Keith Johnson, giảng viên Khoa Ngôn ngữ học Berkely, Đại học California, Mỹ, việc đưa giàn khoan HD-981 tới Biển Đông cũng tượng trưng cho một cái tát vào mặt Tổng thống Barack Obama, người vừa trở về sau chuyến thăm 4 nước châu Á nhằm trấn an các đồng minh (Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines): Mỹ sẽ ngăn chặn các hành động bắt nạt trên biển của Trung Quốc.

Tờ Ria Novosti cho biết, phát biểu tại Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố, Washington đã lên kế hoạch nâng tầm sự hiện diện của quân đội Mỹ trên toàn thế giới, trong đó tập trung mạnh vào Châu Á - Thái Bình Dương. Dư luận cho rằng, Mỹ đang quan tâm và tìm kiếm việc luân chuyển các lực lượng quân sự, tập trung vào Châu Á - Thái Bình Dương, và Washington sẽ theo đuổi, cân nhắc các hiệp định mới gần giống những gì vừa đạt được ở Philippines. Bởi theo ông Chuck Hagel, điều này sẽ giúp Mỹ duy trì được sự hiện diện của mình, nhưng không tốn nhiều kinh phí cho vấn đề bến bãi, cơ sở hạ tầng.

16 giờ ngày 07/05, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức họp báo quốc tế về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam. Ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao cho biết, ngay sau khi có tin Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng thềm lục địa Việt Nam, Việt Nam đã có 8 cuộc làm việc với Trung Quốc, 6 cuộc gặp trực tiếp tại Hà Nội và Bắc Kinh. Trong các cuộc làm việc này, Việt Nam đã khẳng định Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng tuyên bố DOC, Việt Nam kiên quyết phản đối việc làm này của Trung Quốc. “Sẽ tiếp tục đấu tranh bằng mọi biện pháp để bảo vệ các quyền và lợi ích ở Biển Đông”, ông Trần Duy Hải khẳng định.

 

Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh

Theo Petrotimes
____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.