Vững lái trong sóng dữ
25 Tháng Năm 2014 4:38 CH GMT+7
Để biện hộ cho việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở khu vực Nam Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, phía Trung Quốc đã không ngần ngại ra hàng loạt tuyên bố dối trá. Bộ ngoại giao, Bộ quốc phòng và các bản tin báo chí phát đi từ nước này cứ ra rả một luận điệu vu cáo rằng hoạt động thăm dò, khai thác bình thường của họ ở khu vực Hoàng Sa thường xuyên bị phía Việt Nam cản trở, khiêu khích.

Tàu của lực lượng kiểm ngư Việt Nam.

Mỉa mai thay, thực tế hoàn toàn ngược lại. Lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam chỉ gồm tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư và có sự hỗ trợ của một số tàu cá để bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Trong khi đó, vây quanh giàn khoan hạ đặt trái phép, Trung Quốc đã điều động tổng cộng gần 130 tàu của 9 lực lượng khác nhau, gồm cả hải cảnh, hải giám, ngư chính…lẫn những tàu quân sự có khả năng cơ động – tấn công cao như tàu hộ vệ tên lửa, tàu hộ vệ săn ngầm, tàu tuần tiểu tấn công nhanh lớp Hải Thanh, lớp Giang Khải, tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Hậu Tân...

Lực lượng hùng hậu và nguy hiểm này còn được hỗ trợ thường xuyên khoảng 100 tàu cá vỏ sắt, thực chất là tàu quân sự cải hoán trá hình giàn hàng ngang tạo thành một hành lang hình rẻ quan bọc mạn Nam và Tây Nam của Giàn khoan Hải Dương 981 ở bán kính trên dưới 10 hải lý. Trong một tuần lễ có mặt trên tàu, Cảnh sát biển tiếp cận điểm khu vực điểm nóng ở khu vực Hoàng Sa, từ ngày 13 đến ngày 18/05, chúng tôi đã thường xuyên bị những bóng ma trên biển này rượt đuổi, uy hiếp và khiêu khích.

Cùng có mặt trên tàu CSB 4033, đồng nghiệp Nhật Bản Vatagai Toshihiro của hãng Kyodo News đã phải thốt lên: “Thật không tin nổi. Tôi thật sự bị sốc. Trung Quốc đã thể hiện một sự ngạo mạn, ngang ngược không thể chấp nhận nổi!”

Con tàu CSB 4033 mà chúng tôi có mặt chính là tàu Cảnh sát biển Việt Nam đầu tiên bị tàu Trung Quốc cố ý va đâm gây thiệt hại nặng sau khi đưa giàn khoan vào xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Ngày 03/05/2014, trong khi đang chấp pháp cách giàn khoan khoảng 5 hải lý, nó đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc hút thẳng vào mạn phải. Sườn tàu bên mạn phải ngay vị trí đặt buồng máy bị móp méo, toàn bộ lan can sắt bị gãy. Cú húc còn làm vỡ ba giàn đèn, ba giàn cửa thông gió, vỡ đèn tín hiệu…

Dù vậy, tàu CSB vẫn dũng cảm bám trụ điểm nóng làm nhiệm vụ, đến ngày 11 mới về bờ sửa chữa cấp tốc, để đến 1h sáng ngày 13/05, chỉ một ngày rưỡi sau lại cú húc còi chào bến ra với Hoàng Sa. Trong chuyến đi này, ngoài thủy thủ đoàn còn có thêm 23 nhà báo trong nước, 9 nhà báo các hãng thông tấn nước ngoài của các hãng Kyodo News, AP, AFP Bloomberg, Ashahi TV…

Giờ khởi hành và số hiệu con tàu được bảo mật đến phút chót. Trước khi xuống tàu, cánh phóng viên báo chí đã được thông báo trước đầy đủ về sự vất vả, nguy hiểm và được yêu cầu kiềm chế tối đa trong khi tác nghiệp, tránh có bất kỳ một hành vi có thể gây hiểu lầm nào. Không hiểu vì lí do gì, ngay tại bến tàu, một phóng viên nước ngoài đã bất ngờ xin không xuống tàu trước giờ khởi hành chừng… 1 phút. Đơn giản thôi, vất vả và nguy hiểm là những thứ không phải ai cũng muốn chia sẻ và trải nghiệm, nhất là khi nó không đi kèm với hai từ Tổ quốc!

Sau 10 giờ hành trình, tàu CSB 4033 có mặt thả trôi tại Hoàng Sa. Phía Đông Bắc, cách 9 hải lý, giàn khoan khổng lồ trị giá hàng tỷ USD hiện ra đen thẫm trong vùng sáng ngược cuối chân trời. Tại đó, nhóm phóng viên chúng tôi tách tốp hai lần, chia nhau xuống tác nghiệp hai tàu ở CSB 4032 và CSB 8003. Trên tàu CSB 4033 còn lại 10 nhà báo, 6 trong nước và 4 nước ngoài. Ra đến Hoàng Sa, khi tàu dừng máy thả trôi để cặp mạn tàu khác chuyển người, hàng, sóng bất ngờ trỗi cấp 4 – cấp 5, tàu CSB 4033 bị chao đảo dữ dội nên cánh nhà báo không quen sóng gió ai cũng say sóng lử đử.

Mang hai máy ảnh trước ngực, tay xách thêm một máy quay phim, đồng nghiệp Hoàng Đình Nam, phóng viên người Việt của hãng AFP bị say sóng nặng, cứ ngồi bẹp xuống sàn ca bin tàu và nôn liên tục. Nhưng mỗi khi có sự kiện, anh cũng như các đồng nghiệp đang say sóng khác lại vội choàng dậy để tác nghiệp, xong là ngồi thụt xuống nhắm nghiền mắt.

Tình cờ, con tàu CSB 4033 mà chúng tôi có mặt chính là tàu giữ vị trí chỉ huy biên đội 6 tàu Cảnh sát biển của chuyến công tác. Do đó, chúng tôi có đầy đủ thông tin liên quan và được tận mắt chứng kiến đầy đủ mọi sự kiện va đâm, rượt đuổi trong 7 ngày lênh đênh. Mọi chiến thuật, thủ đoạn và sự ngang ngược, trơ tráo của tàu Trung Quốc, anh em cảnh sát biển đều đi guốc trong bụng nên tỏ ra khá bình tĩnh khi xử lý.

Không dám tấn công trực diện các tàu lớn như CSB 8003, CSB 8001, các tàu Trung Quốc cứ lượn lờ vây bọc, tìm cách cắt lốp các tàu nhỏ của ta như CSB 4003, CSB 4032, CSB 2013, CSB 2016, CSB… và các tàu kiểm ngư cả độ choán nước lẫn tốc độ đều thấp. Thông thường, tận dụng tốc độ cao, cứ 4-5 tàu Trung Quốc bọc lấy một tàu Việt Nam, hai chiếc bọc mạn, 1-2 chiếc khóa đuôi, chiếc còn lại bọc lên chặn đầu. Khi đi ngang tầm, tàu Trung Quốc sẽ tìm cách áp sát và phun bắn vòi rồng áp lực cao.

Nếu tàu ta vòng tránh chiếc này, chiếc khác của Trung Quốc sẽ tăng tốc cắt mặt và lượn từ trái sang phải, phía từ sau đuôi tàu. Nếu tăng tốc để tránh, tàu sẽ bị đâm vào tàu khác của Trung Quốc vừa chắn mặt, tạo cớ cho họ tuyên truyền vu cáo Việt Nam chủ động va đâm. Dù va kiểu gì, tàu Việt Nam nhỏ hơn cũng sẽ bị thiệt hại nặng.

Lúc 8h30 sáng 13/05, tàu CSB 4031 đã bị tàu hải cảnh 46001 của Trung Quốc bám đuổi ráo riết ở khu vực cách giàn khoan 5,5 hải lý. Dù đã cảnh giác nhưng do tốc độ thấp hơn nên tàu 4032 chỉ kịp né mà không tránh được cú cắn trộm, bị mũi tàu 46001 lướt từ đuôi lên đến gần nửa thân, làm dập vỏ tàu và gãy toàn bộ lan can mạn phải, thiết bị thu sóng vệ tinh rơi xuống biển. Chỉ thực hiện một phần ý đồ chơi bẩn, tàu Trung Quốc cũng bị đứt dây neo và rơi mất một mỏ neo trước mũi.

Tàu hải cảnh 46001 của Trung Quốc cố ý đâm vào tàu Việt Nam

Sáng 16/05, 3 tàu 2013, 2016 và 4033 tiến sâu vào cách giàn khoan khoảng 5,5 – 6 hải lý. Cùng lúc 7 tàu Trung Quốc lao ra chắn đường. Một tàu đầu kéo, hai tài hải cảnh 33101 và 31101 của Trung Quốc lao thẳng về phía tàu 2013 của CSB, tháo bạt nòng pháo 25 ly và vòi rồng phun nước để đe dọa. Tàu 4033 lập tức cơ động tiến ra, phát loa cảnh báo, xua đuổi tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực.

Rất xảo trá, khi đã chạy song song tàu ta, hai sườn tàu chỉ cách nhau khoảng 20m, tàu Trung Quốc đột ngột kéo còi xin vượt bên mạn phải nhằm lấy cớ gây cản trở để đâm ngang sườn tàu 4033. Không mắc mưu, thuyền trưởng tàu 4033, thượng úy Lê Trung Thành lập tức ra lệnh tăng tốc lên đến lao vọt đi, sau đó đánh lái. Tàu nhỏ nên khẩu độ mở vòng cũng nhỏ, tàu CSB 4033 nhanh chóng chệch được ra ngoài tầm va húc của đối phương, vượt ngay sau chiếc 33101 vừa vòng cắt mặt, đồng thời bỏ rơi chiếc 31101 đang loay hoay chuyển lái cố vòng theo ở một bên và dần dần tụt lại.

Ngoài hai tàu lớn CSN 8003 và 8001, hầu như tất cả các tàu CSB còn lại từng có mặt tuần tra ở mạn tây nam Hoàng Sa đều đã ít nhất một lần va đâm gây tổn thất. Tất cả đều bị va đâm bên mạn phải, từ gần sau đuôi đến giữa thân tàu. Kiểu tấn công này bộc lộ đầy đủ bản chất xảo trá, nham hiểm và cố sát tối đa của Trung Quốc, bởi họ luôn nhắm vào khu vực hầm máy tàu để tấn công, cú va đâm nếu thành công thì sức nặng của tàu Trung Quốc lớn hơn tàu ta nhiều sẽ thừa sức xé toang con tàu của Việt Nam. Mặt khác, lao vào bên mạn phải, họ sẽ có cớ biện hộ là đã di chuyển đúng luật hàng hải, vượt đường từ bên phải, va húc là do bị tàu Việt Nam cản đường.

Chưa hết, “hành trình đúng luật”, tự rêu rao mình là “nạn nhân”, “tai nạn” xảy ra (nếu thực hiện được ý đồ va đâm, phun nước) là “không tránh khỏi” nhưng mỗi lúc có cơ hội tiếp cận tàu CSB hay tàu kiểm ngư của ta, tàu Trung Quốc cũng đều tháo hết bạt che phủ, chỉa cả nòng súng phun nước lẫn nòng pháo 25mm về phía tàu Việt Nam mà họ đang tăng tốc đâm sườn nhưng gọi là xin vượt. Tất cả những điều này xảy ra như cơm bữa trong vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam!

Trong hai ngày 16 và 17/05, chúng tôi đã chứng kiến nhiều lần cảnh cùng lúc khoảng 20 tàu cùng loại của Trung Quốc chia đội hình dồn đuổi và tấn công cả tàu CSB lẫn tàu kiểm ngư của Việt Nam. Khoảng 18h50 ngày 16, một tàu đầu kéo và tàu cảnh sát biển bọc 44103 của Trung Quốc đã cùng lúc tấn công tàu KN 774 rách 3m bên sườn, gãy lan can, móp méo be chắn sóng, vỡ 3 cửa thông gió, vỡ toàn bộ hệ thống phun sương, cửa sổ thông hơi, vỡ ra đa và gãy đèn mũi. Hôm sau 17-5, lại thêm hai tàu Việt Nam đã bị Trung Quốc tấn công.

Tàu CSB 2013 bị húc vào mạn, gãy toàn bộ lan can bên phải. Tàu kiểm ngư KN 762 bị tàu đầu kéo và một tàu hải cảnh Trung Quốc dồn ép phun vòi rồng, đồng thời húc bể toàn bộ cửa kính ca – bin, sập bể mái che sau đuôi, gãy xuồng cứu sinh và dập một phần mạn phải. Thâm độc hơn, lợi dụng ưu thế chiều cao vượt trội, trong những lần tấn công sau này, các tàu Trung Quốc đều cố ý câu vòi rồng vào ống khói tàu ta, nhằm phá hỏng máy tàu, buộc tàu kiểm ngư phải dừng hẳn để họ đâm thẳng nhằm “giết tuyệt”! Không có cách nào hữu hiệu hơn, tàu KN 629 đã nảy ra sáng kiến độc đáo vô tiền khoáng hậu: đặt một chiếc thùng phuy rỗng lên che ngay trên đầu ống khói để hạn chế bị phun nước phá hỏng máy.

Căng thẳng, mệt mỏi, sức lực bị bào mòn vì luôn phải căng mắt, căng tai cảnh giác với tàu Trung Quốc, nhưng anh em CSB lẫn kiểm ngư đều cố kiềm chế, vừa tránh bị khiêu khích dẫn đến trả đũa bột phát để tự vệ, vừa cố vòng tránh đâm va để hạn chế thiệt hại. Nhưng khi tạm dừng nhiệm vụ, anh em luôn lạc quan và rất tự tin. Những ngày có mặt trên tàu CSB 4033 để tác nghiệp và sau đó chuyển sang tàu CSB 2013 để di chuyển về đất liền, buổi tối chúng tôi vẫn thường cùng anh em thủy thủ rọi đèn vớt mực chuẩn bị “ca nhạc nhẹ đêm khuya”.

Biển quê hương hào phóng, mỗi tối chỉ cần vớt 2-4 kg mực là chúng tôi đã có được một chương trình “ca nhạc đặc sản” rất xôm tụ. Đáng tiếc, đêm cuối ở lại trên tàu CSB 4033, cuộc vui đã bị các “bóng ma” phá ngang. Vừa vớt được 2 con mực lá lớn và 4-5 con mực ống nhỏ, chúng tôi đã bị 2 tàu Trung Quốc áp sát pha đèn lóa mắt. Thuyền trưởng Lê Trung Thành hô to: “Các nhà báo ngừng… tác nghiệp, vào ngay trong ca bin”, đồng thời ra lệnh cho tàu rời xa tầm nguy hiểm. Tàu Trung Quốc nhanh chóng bị tụt lại, hãm máy, nhưng đèn pha như những con mắt xoi mói vẫn chòng chọc quét về phía tàu Việt Nam bình tĩnh, nhẫn nại và chịu đựng.

Lúc quây quần cùng anh em thủy thủ cùng thưởng thức đặc sản Hoàng Sa, tôi bỗng nghĩ rất lâu: hai từ Trung Quốc nghe thật bất hạnh. Bởi, chính quyền của họ, đến bây giờ vẫn không từ bỏ được ý đồ hằn học và tham lam nên cứ phải lao theo bao nhiêu hành vi ngang ngược và xảo trá.

Không biết họ sẽ thu được gì, nhưng chắc chắn nhân dân của họ đã và sẽ luôn bị đầu độc trong một thứ niềm tin mơ hồ được gia cố bởi các thông tin bịp bợm và dối trá. Tất nhiên không thể có một tư cách lớn nào được hình thành từ sự dối trá. Tôi nghĩ điều đó tuyệt đối đúng và vĩnh cửu, cho dù là đối với một cá nhân hay với một quốc gia!

 

Theo Cảnh sát toàn cầu

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.