Cảnh sát biển: Bên anh, bên Tổ quốc - Kỳ 3: Hi sinh không đo đếm
01 Tháng Sáu 2014 1:22 CH GMT+7
Vợ bị ung thư, phải điều trị liên tục, con mới sinh cũng đau lên đau xuống, còn chồng thì căng mình chống chọi với tàu Trung Quốc trên biển Hoàng Sa. Chuyện nhà của cảnh sát biển Nguyễn Quốc Huy (tàu CSB 2016) khiến ai nghe cũng bùi ngùi.

Cảnh sát biển 1
Nhà ông Kỳ tại làng Thạch Bàn

Nếu về huyện lúa Lệ Thủy (Quảng Bình) mùa này, chắc hẳn ai cũng cảm thấy thật ấm no, thanh bình bởi khung cảnh bà con nông dân thu hoạch lúa hai bên đường. Nhưng với tôi, chạy xe trong tiết trời nắng gay gắt mà lòng cứ ngổn ngang, cảm giác cứ chùng xuống bởi hoàn cảnh quá đặc biệt của hậu phương người cảnh sát biển này.

Nhà anh Huy nằm cạnh dòng Kiến Giang, ở thôn Thạch Bàn, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy. Gia đình anh Huy ở chung với bố mẹ, cùng gia đình anh trai. Ông Nguyễn Hữu Kỳ, cha anh Huy, cho biết nhà ông có 4 người con đều lập gia đình; 2 người con gái ở riêng, chỉ còn gia đình 2 cậu con trai ở với ông bà.

 

Cảnh sát biển 2
Chị Hòa (ngồi giữa) cùng 2 đứa con, mẹ ruột và mẹ chồng

Họa ập đến trong ngày vui

Lúc tôi đến, trong nhà có thêm một phụ nữ già, hỏi ra là bà Nguyễn Thị Duyến, mẹ ruột của chị Trần Thị Hòa (31 tuổi, vợ anh Huy). Bà bảo, sáng nghe tin cháu nó chuẩn bị đi chữa bệnh ở Hà Nội nên lên thăm và phụ bà nội chăm cháu.

 

 
 

“Hắn khổ lắm, nói thiệt chừ thương con dâu hơn con gái. Thôi thì con không có sữa mẹ, bú sữa ngoài cũng được nhưng bệnh như rứa, tui sống không nổi nữa. Ruột đau như cắt”, bà Lê Thị Dự, mẹ chồng chị Hòa nức nở nói về đứa con dâu

“Điện được cho hắn thì mừng rồi, chừ không điện được nếu có điều kiện thì nhờ chú nhắn cho hắn biết là sức khỏe ba mẹ, vợ con ở nhà đã tốt hơn rồi, cho hắn khỏi lo, yên tâm mà chiến đấu. Đất Lệ Thủy là đất cách mạng, nhà ni cũng mấy đời theo cách mạng, không sợ chết cho Tổ quốc”, bà Lê Thị Dự nhắn gửi con trai Nguyễn Quốc Huy.

 

Việc phát hiện bệnh của chị Hòa rất tình cờ. Khi sinh mổ đứa con thứ 2 tại bệnh viện, các bác sĩ đã phát hiện dấu hiệu của bệnh và thông báo cho gia đình. Nghe tin, ai nấy nghẹn đắng lòng, niềm vui chưa kịp mừng thì đã nhận tin sét đánh.

Bốn ngày sau sinh, cháu bé theo ông bà lên nhà còn anh Huy và chị Hòa khăn gói ngược ra Hà Nội để xét nghiệm chuyên khoa và kết quả đúng như chẩn đoán ban đầu. Chị bị ung thư buồng trứng. Trong phút chốc, mọi thứ quanh đôi vợ chồng trẻ như sập xuống.

Ngày đen tối đó nay qua được 6 tháng, đứa con trai kháu khỉnh thứ 2 cũng lớn ngần ấy tuổi và chị Hòa đã trải qua 6 đợt điều trị hóa chất tại Hà Nội. Trong cơn bạo bệnh, chỉ 1 lần chị Hòa được anh Huy đưa đi Hà Nội chữa trị, còn lại chị đều lặn lội một mình.

“Anh ấy về đợt 30/04, vô lại đơn vị rồi gặp chuyện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền từ đó đến nay…”, chị Hòa nghẹn ngào nói. Biền biệt không một dòng tin tức của chồng, cha, con; thế mới hiểu nỗi lòng và sức chịu đựng của gia đình anh Huy ở quê nhà thế nào.

Từ một người vợ trẻ trung xinh đẹp và đầy đặn, giờ đây chị Hòa teo tóp lại chỉ như còn da bọc xương, tóc cũng rụng hết. Nhắc đến con dâu, bà Lê Thị Dự lại nức nở: “Hắn khổ lắm, nói thiệt chừ thương con dâu hơn con gái. Thôi thì con không có sữa mẹ, bú sữa ngoài cũng được nhưng bệnh như rứa, tui sống không nổi nữa. Ruột tui đau như cắt”.

Trò chuyện một lúc thì bé Nguyễn Trung Hiếu, con đầu của vợ chồng anh Huy - chị Hòa, đi học mẫu giáo về. Vào nhà, cháu chạy ngay đến ôm chầm lấy mẹ. Kể về cháu nội, mắt bà Dự đỏ hoe: “Mỗi lần mẹ hắn đi bệnh viện, ở nhà hắn buồn lắm, có nhiều khi đau mà hắn không dám nói với ông mệ. Mẹ hắn về cái là hắn kêu mẹ ơi con đau, cho con đi bệnh viện”.

Tâm tình hậu phương

Nguồn thu chính của gia đình ông Kỳ từ 5 sào ruộng và tiền chế độ thương binh của ông. Ruộng ít lại phải thuê người làm vì vợ chồng ông đã già yếu, nên thành ra cũng chả dư nổi hạt thóc. Thế nên giờ nuôi cả con và cháu, tiền đi chữa bệnh phải chạy vạy khắp nơi, vừa trả tiền nợ làm nhà xong giờ lại đến vay người ta tiền cho Hòa đi điều trị.

 

Cảnh sát biển 3
Mỗi lần nói đến con dâu và cháu là bà Dự khóc nghẹn

Hoàn cảnh éo le đẩy những người thân già yếu của anh Huy vào cảnh khó khăn, sống trong lo lắng. Hễ cứ kể đến chuyện con dâu và cháu là mắt bà Dự lại đỏ lên nghẹn ngào.

“Đứa thứ 2 bị phong, mặt đỏ và sung vù lên, đợt trước thằng Huy về có chụp ảnh nói để đưa vô Đà Nẵng nhờ bác sĩ xem bệnh tình răng rồi mua thuốc gửi ra. Rứa mà có mô, Trung Quốc qua là đi đến chừ. May mà cháu đỡ bệnh hơn”, bà Dự kể thêm.

Con, chồng đi bảo vệ biển không một dòng tin tức nên hằng ngày, cả nhà ông Kỳ luôn chăm chú theo dõi mấy bản tin thời sự trên tivi. Phần để biết được tình hình đất nước, phần nghe ngóng tin tức của anh Huy. Có lần, Hòa thấy con tàu của chồng mình trên biển lập tức gọi bà Dự vào xem nhưng không kịp. Mặc dù không được thấy như con dâu nhưng nó cũng là một tín hiệu và mang lại niềm vui cho bà. Hòa bảo: “Hình ảnh lướt qua khá nhanh nhưng em vẫn kịp nhìn thấy số hiệu 2016, vì số nó lớn”.

Nhắc đến con dâu và cháu nội thì bà Dự khóc nhưng nói đến Huy bà lại cười mạnh mẽ.

Tôi hỏi bà có lo sợ không, nếu liên lạc được bà có bảo con về không? Bà nói dứt khoát và đầy tự hào: “Trước hắn đi nghĩa vụ bộ đội hải quân, khi đi hắn nói con đi rồi không phải để về mà đi để ở lại, để bảo vệ Tổ quốc. Chiến tranh thì phải đi chớ, mình là bộ đội thì phải đi, lo thì lo nhưng phải đi, về thì ai đi đánh cho mình”.

 

Cảnh sát biển 1
PV Thanh Niên đến thăm và trao 50 triệu đồng tiền hỗ trợ từ bạn đọc giúp chị Hòa chữa bệnh

Bà nói thêm: “Điện được cho hắn thì mừng rồi, chừ không điện được nếu có điều kiện thì nhờ chú nhắn cho hắn biết là sức khỏe ba mẹ, vợ con ở nhà đã tốt hơn rồi, cho hắn khỏi lo, yên tâm mà chiến đấu. Đất Lệ Thủy là đất cách mạng, nhà ni cũng mấy đời theo cách mạng, không sợ chết cho Tổ quốc”.

Suy nghĩ, tâm tình của bà Dự cứ khiến tôi tự hào lâng lâng...

Bài, ảnh: Trương Quang Nam

Theo TNO

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.