Trừng phạt kinh tế là con dao hai lưỡi
Bên lề Thượng đỉnh APEC 2014 đang diễn ra tại Bắc Kinh, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sự kiện này thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí châu Âu không bởi quan hệ Trung–Nhật ảnh hưởng tới họ mà bởi giá trị thực tiễn của cuộc gặp này đối với các lãnh đạo của EU.
Tờ Le Figaro của Pháp số ra hôm 11/11 đăng bài phân tích của chuyên gia với dòng tựa: “Bài học mà châu Á cho chúng ta về quan hệ ngoại giao”.
Tác giả bài viết nhắc lại, đây là cuộc hội kiến đầu tiên giữa Thủ tướng Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình kể từ khi hai ông lên nắm quyền cách đây trên hai năm. Và đây cũng là cuộc hội kiến cấp cao nhất giữa hai nước kể từ khi căng thẳng leo tháng từ mùa thu 2012. Sự căng thẳng mà tác giả cho rằng “như là một cuộc Chiến tranh Lạnh”. Cuộc gặp gỡ lần này của lãnh đạo Trung-Nhật, sau nhiều cố gắng ngoại giao là một động thái “làm tan băng” trong quan hệ lạnh giá giữa hai nước. Từ đó, tác giả rút ra bài học dành cho phương Tây.
Bài học đó là gì? Theo tác giả, đó là hai nước đã biết khoanh vùng căng thẳng. Tức là không để những bất đồng về tranh chấp lãnh thổ (trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư) làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ chính trị và hợp tác kinh tế.
Tuy nhiên, bài học ngoại giao không chỉ dừng lại ở đó, mà theo tác giả, Trung Quốc và Nhật Bản, dù căng thẳng thế nào, cũng chưa từng áp đặt lẫn nhau những biện pháp trừng phạt kinh tế. Bởi vì, theo tác giả, trừng phạt kinh tế thì dễ nhưng rút lại thì khó. Trừng phạt kinh tế sẽ không chỉ gây hại cho người bị áp đặt mà sẽ là con dao hai lưỡi làm đứt tay cả người đi áp đặt. Bằng chứng là dù quan hệ song phương căng thẳng, nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014, trao đổi thương mại giữa Bắc Kinh và Tokyo cũng đã lên đến 168 tỷ USD.
Từ đó, tác giả đề cập đến những biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt cho Nga do những bất đồng về hồ sơ Ukraine. Tác giả nhấn mạnh rằng với những biện pháp trừng phạt đó, Nga thua thiệt mà Liên minh châu Âu cũng bị tổn thất. Bài báo kết luận, chính sách ngoại giao của châu Âu đang lầm đường, không có sự “mềm dẻo” mà hậu quả nhỡn tiền là người dân châu lục này đang phải khổ sở vì những biện pháp trả đũa kinh tế của Nga.
Th.Long (tổng hợp)
Theo Petrotimes