Tự nguyện hay buộc phải ra đi?
Thông tin ông Chuck Hagel từ chức khá bất ngờ mặc dù trước đó cũng đã có những đồn đoán về một cuộc cải tổ nội các hậu bầu cử. Phía Tổng thống Barack Obama nói rằng, cựu thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã ngỏ ý định với ông về việc từ chức vào tháng trước. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Washington cũng tiết lộ Tổng thống Obama và Bộ trưởng Hagel đã có cuộc thảo luận về tương lai của ông Hagel từ giữa tháng 10 và các cuộc thảo luận này là do chính cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam đề xuất. Tuy nhiên, cũng có ý kiến nói rằng sức ép từ chính Nhà Trắng đã buộc lãnh đạo Lầu Năm Góc phải ra đi.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel
Mặc dù ông Hagel được đánh giá là nhân vật có thể thúc đẩy một sự đồng thuận lưỡng đảng trong các vấn đề quốc phòng trung tâm, bao gồm cả cắt giảm ngân sách, nhưng bản thân cựu thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa kể từ khi được bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hồi năm 2013 đã có mối quan hệ “cơm không lành, canh chẳng ngọt” với nhóm cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama. Ông Hagel thường xuyên phải đối mặt với những chỉ trích từ nội bộ chính quyền rằng ông thiếu hiệu quả trong việc xác định các ưu tiên cho Lầu Năm Góc và cho chính sách đối ngoại của Nhà Trắng. Mâu thuẫn càng leo thang khi hàng loạt vấn đề, trong đó nổi bật là chiến dịch không kích của liên minh do Mỹ cầm đầu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq, Syria ngày càng trở nên trầm trọng, bế tắc.
Trong một thông báo nội bộ khá quan trọng vừa bị tiết lộ hồi tháng trước, chính Bộ trưởng Hagel đã viết thư cho cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice và đặt ra không ít câu hỏi nghi vấn về chiến lược của chính quyền Mỹ tại Syria. Theo ông Hagel, Mỹ cần xác định rõ ý định đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad khi chuyển hướng tập trung sang các cuộc tấn công nhằm vào các tay súng IS - lực lượng cũng đang chống lại chính quyền Assad. Ông Hagel cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải triển khai một chiến dịch cụ thể hơn để tiêu diệt IS, đồng thời tỏ ý nghi ngờ chính sách của Tổng thống Obama khi chỉ sử dụng không lực và loại trừ khả năng triển khai bộ binh Mỹ trong cuộc chiến chống IS.
Đây có thể là điểm tạo nên bất đồng không thể hóa giải giữa ông Hagel và Nhà Trắng, hay nói một cách phũ phàng là ông Hagel đã bị sa thải do “lệch pha” với Tổng thống cũng như nội các, đặc biệt là Ủy ban An ninh Quốc gia. Nhưng chính bản thân lãnh đạo Lầu Năm Góc cũng quá “chán nản” khi ông không có những ảnh hưởng quyết định đối với nhiều vấn đề then chốt trong chính sách đối ngoại của Mỹ, trong đó có cuộc chiến chống lại IS. Về điều này, Thượng nghị sĩ John McCain, bạn thân của ông Hagel, nhận xét: “Ông Hagel, cũng như hai người tiền nhiệm Robert Gates và Leon Panetta, đều cảm thấy rất nản lòng với sự quản lý vi mô quá đà của Nhà Trắng”. Thực tế là trong hồi ký của mình, hai cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ này từng chỉ trích sự kiểm soát và can thiệp quá đà của các cố vấn chính trị cho Tổng thống vào các cuộc thảo luận về các chính sách và chiến lược chủ chốt của Washington.
Theo Tổng biên tập Tạp chí Foreign Policy (Chính sách đối ngoại) David Rothkopt, căng thẳng với ông Hagel đã phản ánh phần nào xu hướng “dao động và quay lưng với lời khuyên của quân đội” từ phía Nhà Trắng. Tuy nhiên, việc ông Hagel ra đi sẽ tạo cơ hội cho Tổng thống Obama thổi một luồng sinh khí mới vào ban lãnh đạo Lầu Năm Góc ở thời điểm chính quyền Mỹ đang “bở hơi tai”, loay hoay đối phó với hàng loạt cuộc khủng hoảng trên thế giới, từ cuộc chiến chống IS ở Iraq, Syria, đến cuộc khủng hoảng Ukraine, hay việc tiếp tục hoạt động quân sự ở Afghanistan.
“Trục” chiến lược vẫn xoay?
Với châu Á, có lẽ điều quan tâm nhất hiện tại là liệu cam kết xoay trục chiến lược sang Châu Á - Thái Bình Dương của Washington có bị ảnh hưởng hay không khi một loạt người ủng hộ sáng kiến “tái cân bằng” của ông Obama như cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta… và giờ là Chuck Hagel lần lượt ra đi.
Trong những tháng đầu tiên ngồi ghế chủ nhân Lầu Năm Góc, ông Hagel đã tiến hành các chuyến thăm đồng minh quan trọng của Mỹ ở khu vực với tốc độ chóng mặt, thể hiện rõ nhiệt huyết với “thế trận quốc phòng Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương”.
Khi Chính phủ Mỹ lâm vào cảnh… hết tiền và ngừng hoạt động vào cuối năm 2013, Tổng thống Obama đã buộc phải “muối mày, muối mặt” hủy lịch tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC cũng như một loạt chuyến công tác ở châu Á, thì ông Hagel liền “chữa cháy” ngay bằng chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc - hai đồng minh quan trọng bậc nhất của Mỹ ở khu vực. Tờ New York Times lúc đó đã ghi nhận chuyến công du Hàn Quốc của ông Hagel cuối năm 2013 là “chuyến đi dài nhất từ trước đến nay của một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ”.
Vào thời điểm Tổng thống đang gặp khó khăn trong việc hiện diện ở châu Á thì ông Hagel trở thành gương mặt đại diện cho quyết tâm “xoay trục” của Mỹ với các đồng minh trong khu vực. Trong vài tháng trở lại đây, ông vẫn không hề lơ là mối quan tâm của mình. Ông theo dõi sát sao quá trình viết lại bản hướng dẫn điều chỉnh hợp tác quốc phòng giữa Mỹ với Nhật Bản, tham gia vào quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, đồng thời phát triển sâu sắc hơn hợp tác an ninh với Philippines.
Ngoài các đồng minh của Mỹ ở châu Á, Hagel là một người đối thoại thường xuyên với các đối thủ của Mỹ rất tốt. Ông đã xây dựng một mối quan hệ mạnh mẽ với các lãnh đạo chính trị và quân sự cấp cao của Trung Quốc - mặc dù trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Quốc phòng của ông đã xảy ra nhiều sự kiện khiến mối quan hệ Mỹ - Trung có giai đoạn rất căng thẳng, như việc Trung Quốc đơn phương áp đặt vùng nhận diện hàng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, sự cố suýt va chạm giữa tàu chiến USS Cowpens và tàu Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông… Khi các đồng minh và đối tác bắt đầu nghi ngờ cam kết “tái cân bằng” của Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng, quyết liệt trong các tranh chấp, Hagel là “tiếng nói của sự bảo đảm” từ Mỹ. Đơn cử, tại Diễn đàn đối thoại an ninh Shangri-La năm nay, Hagel đã thẳng thắn kêu gọi Bắc Kinh thực hiện một sự lựa chọn - hoặc là “đoàn kết và tái cam kết tuân thủ trật tự ổn định của khu vực, hoặc là từ bỏ cam kết đó, đặt hòa bình và an ninh vào tình thế nguy hiểm”.
Lựa chọn người thay thế ông Hagel rõ ràng sẽ gửi một thông điệp quan trọng về những ưu tiên chính sách đối ngoại và an ninh của chính quyền Obama trong 2 năm cuối nhiệm kỳ. Trong khi đó, các ứng viên cho ghế Bộ trưởng Quốc phòng là Ashton Carter, Michele Flournoy, Jack Reed và thậm chí tính cả Thượng nghị sĩ Joe Liberman nữa đều không có được tầm hiểu biết cũng như mức độ quan tâm đến châu Á như ông Hagel.
Nhưng dù sao, so sánh lập trường về lợi ích lâu dài của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương với biến động chính trị ngắn hạn như IS hay khủng hoảng Ukraine có vẻ cũng khập khiễng. Nếu Mỹ muốn duy trì vị thế của mình ở Châu Á - Thái Bình Dương và sự thống trị trên toàn cầu, những người lãnh đạo Nhà Trắng sẽ không thể thờ ơ với khu vực này. Và nói như cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, ngay cả khi châu Á không xếp hàng đầu trong chương trình nghị sự tại Lầu Năm Góc thì nó vẫn tìm được vị trí xứng đáng của mình trong ngành ngoại giao Mỹ.
Linh Phương
Theo Petrotimes