Với 411 phiếu ủng hộ, Hạ viện Mỹ ngày 04/12 đã thông qua nghị quyết số 758, lên án chính sách của Nga đối với một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và yêu cầu chính quyền Obama hợp tác với các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Âu và các nơi khác trên thế giới "đưa ra lệnh cấm thị thực, đóng băng tài sản, áp đặt lệnh trừng phạt và các biện pháp khác đối với Nga".
Nghị quyết của Hạ viện Mỹ viết: “Quốc hội lên án hành vi tiếp tục gây hấn chính trị, kinh tế và quân sự của Liên bang Nga đối với Ukraine, Gruzia, Moldova và vi phạm chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của họ”. Đây là những luận điệu mà Nga đã nhiều lần bác bỏ.
Với nghị quyết trên, các dân biểu Mỹ yêu cầu chính phủ Obama tìm cách "buộc Nga từ bỏ các vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, rút quân và thiết bị của mình ra khỏi lãnh thổ Ukraine và chấm dứt hỗ trợ cho các lực lượng ly khai".
Theo báo The International Business Times (Mỹ), nghị quyết trên cũng cho phép Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko được quyền tiến hành các hoạt động quân sự chống lại lực lượng ly khai ở phía đông Ukraine. “Đây không chỉ đơn giản là một tuyên bố chiến tranh lạnh của Mỹ với Nga mà còn là tuyên bố chiến tranh của Kiev với Donetsk và Lugansk”- Giám đốc điều hành Viện Ron Paul Daniel McAdams tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn.
Các chuyên gia cho rằng nghị quyết 758 của Hạ viện Mỹ sẽ đưa quan hệ Nga-Mỹ ra khỏi các vấn đề quốc tế quan trọng cần được giải quyết, như thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran, cuộc khủng hoảng Syria và kiểm soát vũ khí hạt nhân. Đồng thời, nghị quyết này thực sự đưa tình hình trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Mel Goodman, cựu Giám đốc Văn phòng các vấn đề Liên Xô của Mỹ, bình luận về nghị quyết chống Nga của Mỹ như sau: "Ngươi hại ta thì ta cũng sẽ hại người. Ông Putin chắc là có thể sẽ cảm thấy phải đáp trả".
Các chuyên gia Nga coi nghị quyết chống Nga là sự xác nhận đường lối chung của chính quyền Tổng thống Mỹ Obama, có tính chất thù địch với Nga. Giáo sư Vladimir Batiuk thuộc Viện Kinh tế Đối ngoại Nga, cho rằng nghị quyết về việc tiếp tục quá trình trừng phạt đối với Liên bang Nga mà Hạ viện Mỹ thông qua là một bước tiến tới một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Theo ông, nghị quyết này có cùng bản chất với nghị quyết giải phóng các dân tộc bị phụ thuộc Cộng sản, được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1959. Nghị quyết đó nói lên rằng mục đích trong chính sách của Mỹ là làm cho Liên bang Xô viết sụp đổ.
Về phần mình, Dmitry Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moskva, thấy rằng trong nghị quyết mà Hạ viện Mỹ thông qua không hề có gì mới. Theo ông, nghị quyết phản ánh thái độ tiêu cực hiện nay của quốc hội Mỹ và các chính trị gia Mỹ đối với Nga, cũng như sự hỗ trợ chung của Mỹ dành cho Ukraina. Trả lời câu hỏi liệu nghị quyết này có trở thành cơ sở cho việc thông qua một lệnh trừng phạt mới không, ông Trenin nói rằng "đây là một tuyên bố chính trị" và "quốc hội không thể buộc chính quyền thay đổi đường lối".
Michael Coffman, thuộc Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson, cho rằng việc thông qua nghị quyết chống Nga là một động thái chính trị có thể không gây ra hậu quả chính trị lớn lao. Theo ông, việc Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết này chỉ là một màn kịch chính trị, bởi vì tất cả các vấn đề chính sách đối ngoại đều được Thượng viện quyết định. Nghị quyết này chỉ là một phần của "quan hệ thù địch nói chung" giữa hạ viện Mỹ và Duma Quốc gia Nga.
Nh.Thạch (tổng hợp)
Theo Petrotimes