Hôm nay (15/12), Sydney (Australia) bắt đầu ngày mới rất bình yên. Khoảng từ 7 giờ sáng nắng hạ đã ấm áp chiếu sáng những hàng cây Phượng tím. Nhưng cái bình yên trong lành ấy đã hoàn toàn bị phá vỡ khi tin tức khủng khiếp tràn ngập màn hình TV về việc nhiều con tin bị bắt cóc ở quán Cafe Lindt đông đúc ngay khu vực Martin Place, trung tâm Sydney.
Truyền thông quốc tế đưa tin, hàng trăm cách sát đã lập tức phong tỏa nơi xảy ra sự việc. Các công ty, trung tâm thương mại, ngân hàng, tòa án ở xung quanh Martin Place đều được lệnh giải tỏa, nhân viên phải lập tức ra khỏi các tòa nhà và đi đến nơi an toàn đã được định trước khi tình hình khẩn cấp xảy ra.
Con tin bị giam giữ trong quán cafe'.
Các trường học trong bán kính 1km, được đặt trong tình trạng "lockout" - nội bất xuất, ngoại bất nhập, chờ thông tin hướng dẫn của lực lượng cảnh sát đặc biệt. Các tuyến tàu điện ngầm, xe buýt... trong khu vực trung tâm tạm ngừng hoạt động và các con đường dẫn tới Martin Place đều được phong tỏa.
Ở hầu hết các công ty tại Sydney, cho dù không nằm trong vùng nguy hiểm, thành viên của Nhóm Hành Động Khẩn đều được nhóm họp và đưa những hướng dẫn giúp nhân viên không hoảng loạn khi tình hình trở nên xấu, và các nhân viên được cho phép gọi điện thoại trong giờ làm việc cho các người thân trong gia đình, hoặc có thể rời công sở trong trường hợp họ mong muốn hay thấy cần thiết.
Sau khi họp nhân viên, tôi cũng như bao người lập tức bấm máy điện thoại liên lạc với người thân.
Hai con tin chạy khỏi quán Cafe' và được cảnh sát hỗ trợ. Ảnh: The New Daily
Chúng tôi đều biết Australia là một trong những nước ủng hộ chiến dịch của Mỹ chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo tại Syria, Iraq và những tin tức tình báo trong thời gian qua đều chứng tỏ Australia là nơi các phiến quân Hồi Giáo lên kế hoạch tấn công bằng cách bắt cóc con tin và sẽ xử tử họ nếu không đạt được yêu sách chính trị của mình. Chính vì vậy Australia, mà cụ thể là Sydney, đã nâng báo động tấn công khủng bố trong thời gian qua.
Báo chí Australia liên tục cập nhật về chính sách quân sự và ngoại giao của chính phủ. Chính phủ cũng công khai minh bạch với dân chúng về những hành động của mình và những hệ lụy của chúng, vì vậy khả năng nước Australia bị tấn công khủng bố không là điều đáng ngạc nhiên cho người dân.
Có ít nhất 5 con tin đã thoát ra ngoài.
Mặc dù cảnh sát New South Wales mới chỉ xác nhận đang đối phó với một vụ việc có vũ trang, và đang tìm cách liên lạc với những người trong tòa nhà, họ chưa có đủ thông tin để xác nhận hay phủ nhận nhận liệu đây có phải là cuộc tấn công khủng bố, và liệu vụ việc có liên quan đến Nhóm IS (Nhà Nước Hồi Giáo), thì dường như hiện thực về một cuộc khủng bố có tổ chức vẫn dường như diễn ra trước mắt người dân Sydney mà chẳng cần bất cứ xác nhận chính thức nào từ phía Cảnh Sát.
Những hình ảnh trên truyền hình Australia cho thấy 3 con tin đứng cạnh một cửa kính lớn trong khi đang giơ tay giữ một lá cờ đen mang dòng chữ bằng tiếng Ả-rập, có nội dung: “Không có Chúa trời mà chỉ có Thánh Allah”. Đằng sau các con tin còn một lá cờ khác mang dòng chữ “Nhà tiên tri Mohammed là người mang thông điệp của Chúa”.
Sydney kinh hoàng trước những gì xảy ra, người dân lo lắng cho sinh mạng hơn chục con người bị giam cầm dưới tay những kẻ có vũ khí. Nhưng Sydney không hề hoảng loạn, người dân Sydney tin tưởng vào lực lượng cảnh sát, và thực hiện đầy đủ những gì cảnh sát yêu cầu mà không gây náo loạn ở khu vực xảy ra vụ việc.
Cảnh sát chuẩn bị sẵn sẵn cho tình huống xấu nhất.
Ở hầu hết tất cả các công ty, nhân viên tập trung trước màn hình TV, nghe thông điệp của Thủ tướng khi ông họp báo khẩn cấp thông báo về vụ việc bắt cóc nghiêm trọng. Thủ tướng Tony Abott trấn an: "Tất cả người dân Australia nên yên tâm rằng các cơ quan an ninh và thực thi pháp luật của chúng ta được huấn luyện và trang bị tốt, đang đối phó với vụ việc theo cách thức chuyên nghiệp và đồng bộ".
Ở các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, phần đông có cái nhìn chín chắn trước những gì đang xảy ra. Rất nhiều ý kiến đưa ra mong mỏi cảnh sát có thể tìm ra giải pháp an toàn cho các con tin mà không phải đổ máu, đồng thời kêu gọi cộng đồng không nên đánh đồng những kẻ quá khích đang bắt cóc con tin, cho dù chúng có cầm lá cờ của đạo Hồi trong tay, vì những kẻ này không phải là đại diện chân chính của những người theo đạo Hồi.
Cho đến lúc này là 5 giờ chiều (giờ địa phương), truyền thông Australia chưa nhận được thông tin chính thức nào từ phía cảnh sát về số phận những người bị giam giữ trong Lindt Cafe tại Martin Place. Và tôi, như những người dân Sydney vẫn đang từng phút từng giây chờ đợi thông tin và nguyện cầu cho mạng sống của những người bị bắt cóc.
Con tin bị ép giơ tấm cờ in dòng chữ Ả-rập.
Nhưng cho dù bất cứ điều gì xảy ra, Sydney và mỗi người dân ở đây không run sợ và hoảng loạn, chúng tôi biết cái ác không thể ngự trị mà cái ác nhất định sẽ bị công lý trừng trị. Cho dù bất cứ việc gì xảy ra, Sydney sẽ không để cái ác chia rẽ các cộng đồng, chia rẽ các sắc tộc đang cùng nhau chia sẻ một nền văn hóa đa dạng, đa sắc tộc, đa văn hóa.
Hôm nay đánh dấu một ngày không bình yên với Sydney, với mỗi người dân yêu chuộng hòa bình nơi đây, rằng xứ sở chúng ta không miễn dịch với cái ác, và rằng cho dù không muốn chúng ta sẽ phải chiến đấu chống lại nó.
Tạ Kim Tuyến (từ Sydney)
Theo Giadinh.net.vn