Ngày 14/12, cử tri Nhật Bản đi bỏ phiếu và Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã giành chiến thắng áp đảo, qua đó chiếm đa số tại Hạ viện (liên minh cầm quyền giành 324/475 ghế tại Hạ viện).
Lợi ích luôn tối thượng
Cũng trong ngày 14/12, tờ South China Morning Post dẫn tuyên bố của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khi lên án bất kỳ nỗ lực nào để sửa đổi “Bản án chiến tranh xâm lược của Nhật Bản”, đồng thời nhấn mạnh, lãng quên lịch sử là phản bội, phủ nhận tội lỗi có nghĩa là tái phạm.
Ngày 13/12, ông Tập Cận Bình tới dự lễ tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát Nam Kinh nhằm lên án mạnh mẽ tội ác chiến tranh mà phát xít Nhật đã gây ra ở Trung Quốc 77 năm trước - là tội ác khủng khiếp với nhân loại và là một trang đen tối trong lịch sử loài người. Chủ tịch nước Tập Cận Bình tuyên bố: Lịch sử không thể bị lãng quên cùng với sự thay đổi của thời gian và thực tế không thể bị xóa nhòa bởi sự phủ nhận xảo trá.
Trước đó (11/12), tờ Đa Chiều cho biết, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nêu quan điểm và chiến lược về công tác đối ngoại năm 2015, trong đó có kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Nhật. Ông Vương Nghị cũng chỉ trích chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe - dẫn dắt Nhật Bản đi theo con đường hữu khuynh. Tờ Đa Chiều cũng dẫn tuyên bố của ông Vương Nghị - Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi xây dựng “mô hình mới quan hệ nước lớn cùng thắng”, đặc biệt là với Mỹ - Bắc Kinh đang muốn ngồi ngang hàng với Washington.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xuất hiện trong buổi lễ tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát Nam Kinh
Và trong năm 2015 Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh chiến lược xây dựng Con đường tơ lụa mới, Ngân hàng Đầu tư châu Á được Chủ tịch nước Tập Cận Bình đưa ra mới đây. Bởi theo ông Vương Nghị, đã có 50 nước dọc con đường tơ lụa (theo khái niệm cũ) sẵn sàng ủng hộ sáng kiến “Một vành đai, một con đường” nhằm thúc đẩy sự phát triển chung giữa Trung Quốc, châu Âu và châu Á.
Giới truyền thông cho biết, từ 08 đến 14/12, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã cùng với Mỹ diễn tập quân sự liên hợp Forest Light 15 tại thao trường Oyanohara, ngoại ô thủ đô Tokyo. Nhật - Mỹ đã điều động 6.500 binh sĩ tham gia cuộc diễn tập kể trên. Việc này diễn ra sau khi Nhật - Mỹ vừa diễn tập quân sự liên hợp quy mô lớn nhất trong lịch sử mang tên Keen Sword hồi tháng trước. Giới quân sự cho rằng, 2 cuộc diễn tập quân sự này cho thấy, Nhật Bản lo ngại sự toàn vẹn lãnh thổ của mình đang phải đối mặt với các mối đe dọa tiềm tàng.
Ngày 12/12, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã phản hồi về việc Nhật Bản giám sát máy bay quân sự Trung Quốc khi bay qua eo biển Miyako. Theo đó, việc máy bay quân sự và tàu chiến Trung Quốc tiến hành huấn luyện tại vùng biển Tây Thái Bình Dương, là phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế, là khu vực các nước có quyền tự do đi lại và trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai vấn đề này. Trước đó (6/12), lực lượng chức năng Nhật Bản phát hiện máy bay quân sự Trung Quốc bay trên vùng biển gần Nhật Bản.
Theo giới truyền thông, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Hàn Quốc ở thành phố Busan của Hàn Quốc, lãnh đạo các nước ASEAN và Hàn Quốc đã nhất trí nâng kim ngạch thương mại song phương lên 200 tỉ USD vào năm 2020. Giới bình luận cho rằng, Hàn Quốc không muốn bị chậm chân trong việc gây ảnh hưởng tới ASEAN so với Nhật Bản và Trung Quốc. Tổng thống Park Geun-hye chưa thực sự hài lòng khi Seoul chỉ là đối tác thương mại lớn thứ 5 của ASEAN, trong khi ASEAN là đối tác thương mại và đầu tư lớn thứ 2 tại Hàn Quốc.
Tiếp tục lên án hành động gây hấn
Ngày 09/12, tại hội thảo khoa học “Xung đột ở Biển Đông” ở thủ đô Berlin, Đức, các học giả Đức đã lên án gay gắt hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh sự nguy hiểm của chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy mạnh mẽ ở Trung Quốc. Tiến sĩ Gerhard Will, nguyên chuyên viên cao cấp của Viện Khoa học và Chính trị Đức cho rằng, những diễn biến gần đây ở Biển Đông như Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xây dựng đảo trái phép ở Hoàng Sa, Trường Sa, hay trước đó hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này.
Tiến sĩ Andreas Seifert, chuyên gia phân tích quân sự thuộc Hội Nghiên cứu quân sự Tuebingen của Đức cho rằng, yêu sách về cái gọi là “đường lười bò” (đường 9 đoạn) của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như cách thức tuyên truyền của Bắc Kinh đối với hoạt động xây dựng đảo trái phép ở Biển Đông là phi lý xét cả về pháp lý và địa lý, đồng thời cố tình tạo sự mập mờ cho dư luận trong và ngoài nước về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tiến sĩ Howard Loewen đến từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Hamburg nhận định, để bảo đảm ổn định tình hình Biển Đông cần có sự cân bằng quyền lực ở khu vực, trong đó các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và Australia phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn phản đối các yêu sách của Trung Quốc, đồng thời tăng cường những ảnh hưởng cần có ở khu vực này.
Trung Quốc sẽ củng cố quan hệ kiểu mới với Mỹ
Bắc Kinh tố cáo Washington vi phạm cam kết trung lập về tranh chấp Biển Đông sau khi bác bỏ bản phúc trình của Mỹ đối với những yêu sách phi lý về chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực này. Giới bình luận cho rằng, sự ủng hộ tuyệt đối đối với nghị quyết H.Res-714 do Hạ viện Mỹ thông qua hôm 4/12 cho thấy, Washington thực sự lo lắng về những diễn biến đang xảy ra tại Biển Đông.
Giáo sư Carl Thayer đến từ Đại học Quốc phòng Australia cho rằng, trong khi phúc trình của Trung Quốc tìm cách ảnh hưởng tới các thẩm phán của Tòa án Trọng tài quốc tế mà không giao tiếp một cách trực tiếp, phúc trình của Mỹ mạnh mẽ thúc giục Trung Quốc làm rõ những yêu sách của mình. Ngày 12/12, Thượng viện Mỹ đã thông qua gói ngân sách quốc phòng trị giá 577 tỉ USD cho năm 2015 và điều này đồng nghĩa Washington sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược “xoay trục”, bất chấp việc phải cắt giảm chi tiêu.
Ngày 10/12, Đài Tiếng nói nước Nga cho rằng, các nước Châu Á - Thái Bình Dương không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự, nhưng không muốn nổ ra chiến tranh. Trong khi đó tờ The Dipolmat nhận định, chính sách đối ngoại của Mỹ trong năm 2014 đã ảnh hưởng tới Châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó đáng quan tâm nhất là tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, cũng như quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc, 2 đồng minh quan trọng của Mỹ tại châu Á.
Trong một diễn biến liên quan, chuyên gia phân tích quân sự Mỹ Wendell Minnick cho rằng, hệ thống tên lửa S-400 mà Trung Quốc mới mua của Nga hoàn toàn có khả năng “quét sạch” hệ thống phòng không của Đài Loan. Được biết, Bắc Kinh đã ký hợp đồng trị giá 3 tỉ USD mua hệ thống tên lửa đất đối không để trang bị cho 6 tiểu đoàn phòng không. Còn theo ông Paul Giarra, Chủ tịch Viện Nghiên cứu chiến lược và biến đổi toàn cầu, khi S-400 được triển khai, lực lượng phòng không của Đài Loan sẽ không có khả năng ngăn chặn chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc, ngay cả khi họ sở hữu chiến đấu cơ F-16C/D của Mỹ.
Trong khi đó, Ian Easton, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Dự án 2049 của Mỹ (chuyên nghiên cứu chính sách an ninh ở Trung Á và Châu Á - Thái Bình Dương) cho rằng, vẫn có cách giúp Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ chống lại S-400 của Trung Quốc.
Ngày 09/12, tại thành phố Đài Trung, Viện Khoa học và Công nghệ Trung Sơn của Đài Loan đã công bố 2 loại máy bay trinh sát không người lái mới là Cardinal và Albatross, được dùng để trinh sát - gia tăng cảnh giác đối với am mưu của Trung Quốc. Theo nhận định của một số chuyên gia phương Tây, Đài Loan luôn là ưu tiên so với Biển Đông và Bắc Kinh không muốn bị áp lực từ 2 hướng. Do đó, Bắc Kinh sẽ thận trọng trong vấn đề này.
Ngày 11/12, trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN và một số hãng thông tấn báo chí khác đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước Văn kiện lập trường ngày 7/12 của Chính phủ Trung Quốc về vụ kiện Trọng tài Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Một lần nữa, Việt Nam tuyên bố có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền và lợi ích pháp lý khác của Việt Nam ở Biển Đông”.
Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh, lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng nước phụ cận, cũng như yêu sách “các quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với vùng nước, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển bên trong “đường đứt đoạn” do Trung Quốc đơn phương đưa ra”.
Trả lời câu hỏi của báo chí đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam đối với vụ kiện Trọng tài Biển Đông, ông Lê Hải Bình khẳng định: “Để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở Biển Đông có thể bị ảnh hưởng bởi vụ kiện Trọng tài Biển Đông, Việt Nam đã bày tỏ với Tòa trọng tài lập trường, quan điểm của mình đối với vụ kiện và đề nghị Tòa trọng tài quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý đó của Việt Nam”.
|
Hồng Thất Công
Theo Petrotimes