|
Tổng thống Putin trả lời tại buổi họp báo trưa 18/12 - Ảnh: Reuters |
Sự kiện được tổ chức 2 tuần sau thông điệp liên bang của ông Putin và diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế chính trị nước Nga và thế giới đang trải qua những biến động lớn.
Tại buổi họp báo, Tổng thống Putin đã trả lời nhiều câu hỏi nóng liên quan đến kinh tế, khủng hoảng tiền tệ và cuộc khủng hoảng Ukraine...
Trước đó, điện Kremlin thông báo buổi họp báo sẽ không bị giới hạn về thời gian và ông Putin sẽ trả lời mọi câu hỏi.
Tổng thống Nga Putin nhận định nguyên nhân chính của khủng hoảng kinh tế hiện tại là do các yếu tố bên ngoài, tuy nhiên chính phủ cũng chịu trách nhiệm do không quản lí được doanh nghiệp.
Trong hoàn cảnh xấu nhất nhất, ông Putin dự đoán tình hình khó khăn sẽ kéo dài thêm hai năm nữa trước khi ổn định trở lại.
Tổng thống Vladimir Putin nói tình hình kinh tế Nga hiện nay không phải là sự trả giá cho Crimea.
Tổng thống Putin dẫn số liệu thống kê cho biết tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 10 tháng đầu năm nay đạt 0,6-0,7%; đồng thời khẳng định bất chấp việc các thị trường tài chính đang bị hỗn loạn, song tổng thu của Nga sẽ cao hơn mức chi tiêu.
Ông cho rằng Ngân hàng trung ương của Nga cần tiếp tục siết chặt tính thanh khoản của đồng rúp, đồng thời bày tỏ lạc quan tin tưởng rằng nền kinh tế Nga sẽ thích nghi với những khó khăn nếu nó tiếp tục diễn ra.
Khi được hỏi về sự phụ thuộc của nền kinh tế Nga vào xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, và khả năng tận dụng cuộc khủng hoảng hiện nay để tái cơ cấu kinh tế Nga, ông Putin cho rằng đó là một quá trình khó khăn, và điều đó (tái cơ cấu) chỉ khả thi thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh.
Tổng thống Nga cho rằng việc giá dầu giảm tất yếu sẽ đòi hỏi tái cơ cấu nền kinh tế.
Nhưng nhà lãnh đạo của Nga cũng cho rằng giá dầu thấp sẽ khuyến khích Nga đa dạng hóa nền kinh tế và giảm bớt phụ thuộc vào xuất khẩu dầu khí.
Ông cũng khẳng định Nga có đủ dự trữ ngoại tệ để giữ ổn định nền kinh tế, song khuyến cáo Ngân hàng Trung ương không nên "đốt" nguồn dự trữ ngoại tệ, hiện ở mức 419 tỷ USD, một cách tùy tiện.
Tại buổi họp báo, trước yêu cầu nêu tên những kẻ đầu cơ gây ra cơn bão tiền tệ, Tổng thống Nga thừa nhận “họ không phải là tội phạm, họ chỉ đơn giản muốn tiền”. Ông nói nếu ngân hàng trung ương can thiệp sớm hơn thì có thể đã không có vụ lãi suất 17%.
Nhân chuyện này, ông Putin kể đã đích thân nhấc máy gọi cho lãnh đạo một công ty nhà nước để “năn nỉ” can thiệp vào thị trường tiền tệ, ông lãnh đạo ngay lập tức hứa góp vào 3 tỉ USD mà ông Putin thừa nhận không biết nhà lãnh đạo doanh nghiệp “tìm đâu ra trong túi”!
Nguyên nhân nội tại
Báo Gazeta.ru dẫn ý kiến một số nhà quan sát Nga xem “quả bom” đồng rúp mất giá là một “Maidan tiền tệ” của phe theo chủ nghĩa tự do nhằm gây sức ép buộc ông Putin phải quay lại hàn gắn với phương Tây. Có thể nói yếu tố cấm vận hay dầu mất giá chưa đủ là nguyên nhân khiến kinh tế Nga lao đao như hiện nay.
Ông Mikhail Leontev, phó chủ tịch Tập đoàn dầu khí Rosneft thì cho rằng nguồn cơn của cuộc khủng hoảng tiền tệ hiện nay bắt đầu từ chính sách kinh tế sai lầm của Bộ trưởng Tài chính Aleksei Kudrin thời thập niên 2000.
“Nền tảng của chính sách này là việc cố tình tăng một cách có hệ thống tỉ giá thật của đồng rúp so với ngoại tệ (tỉ giá tăng 4 lần trong giai đoạn 2000-2012).
Hành động này tạo tiền đề cho việc sử dụng tối đa tiền bán tài nguyên để nhập khẩu hàng tiêu dùng và cũng đồng thời bóp nghẹt sản xuất trong nước.
Đây là nguyên nhân khiến năng lực cạnh tranh sản xuất của Nga gần như không có”.
|