Thông báo bình thường hóa quan hệ với Cuba là một sự thừa nhận thất bại trong chính sách cấm vận của Mỹ. Chính Obama khi thông báo với dân Mỹ về việc nối lại bang giao với Cuba đã thừa nhận điều này. Ông nói: “Rốt cuộc 50 năm qua cho thấy sự cô lập không mang lại kết quả tốt. Đã tới lúc phải áp dụng phương thức mới”.
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, hôm 18/12, Tổng thống Barack Obama đã ký phê chuẩn một đạo luật dự trù các biện pháp trừng phạt đối với các lãnh đạo của Venezuela mà Mỹ cho là có liên can đến vụ đàn áp biểu tình vào đầu năm nay.
Các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức nói trên bao gồm việc phong tỏa tài sản ở Mỹ và cấm nhập cảnh vào nước Mỹ. Ngày 18/12, Tổng thống Venezuela Maduro đã có phản ứng ngay lập tức, xem các biện pháp trừng phạt của Mỹ là “ngu xuẩn”.
Mặc dù Tổng thống Hugo Chavez đã qua đời và Tổng thống Maduro lên nắm quyền, quan hệ giữa Caracas với Washington vẫn còn căng thẳng. Trong một cử chỉ hiếm hoi, Tổng thống Maduro hôm 17/12 đã lên tiếng hoan nghênh “hành động dũng cảm” của Tổng thống Obama khi tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Cuba.
Chưa hết, cũng trong ngày 18/12, Obama đã ký sắc lệnh về các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga. Washington dự định phong tỏa tài sản của bất kỳ cá nhân và công ty nào liên quan tới Crưm.
Theo Nhà Trắng, sắc lệnh nghiêm cấm các khoản đầu tư mới của cư dân Mỹ vào khu vực Crưm, toàn bộ hoạt động nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, công nghệ từ Crưm vào Mỹ cũng như xuất khẩu, tái xuất khẩu, bán và cung cấp hàng hóa, dịch vụ và công nghệ từ Mỹ do những người đang sống ở Mỹ thực hiện, đến khu vực Crưm. Ngoài ra, ông Obama còn cấm người Mỹ tiến hành bất cứ hoạt động kinh doanh nào với các công ty hiện đang do cư dân Crưm kiểm soát cũng như có bất kỳ mối quan hệ tài chính hoặc vật chất nào với những đối tượng nêu trên. Thêm vào đó, tất cả những người nằm dưới sắc lệnh trừng phạt này bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.
Cùng lúc, Liên minh châu Âu cũng đã thông qua các biện pháp hạn chế bổ sung đối với Crưm. Cụ thể, EU cấm doanh nghiệp của mình đầu tư vào kinh tế Crưm, mua bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ du lịch tại Crưm. Ngoài ra, còn có hạn chế về xuất khẩu hàng hóa và công nghệ cho giao thông vận tải, viễn thông và ngành năng lượng, bao gồm thăm dò và khai thác dầu mỏ và khí đốt ở Crưm.
"Kể từ ngày 20/12, đầu tư vào Crưm và Sevastopol là phạm pháp. Các công ty có trụ sở châu Âu không được mua bất động sản ở Crưm, đầu tư tài chính vào Crưm" - tuyên bố của Hội đồng EU viết.
Các công ty châu Âu "cũng không còn được phép cung cấp dịch vụ du lịch ở Crưm, tàu du lịch châu Âu không còn có quyền nhập cảng Crưm, ngoại trừ trong trường hợp khẩn cấp, áp dụng cho tất cả các tàu thuộc sở hữu của các công ty EU, hay hoạt động dưới cờ của EU".
Ngay lập tức, Nga đã tuyên bố sẽ đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU. Bộ trưởng Ngoại giao Nga, ông Sergei Lavrov ngày 18/12 đã khẳng định Nga có quyền hợp pháp để đáp trả các lệnh trừng phạt đối với Crưm từ phía EU và Mỹ.
Cũng tại hội nghị thượng đỉnh châu Âu diễn ra ngày 18/12, lãnh đạo châu Âu cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine nay đã trở nên ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, kết thúc hội nghị, các bên đã nhất trí không đưa ra thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, nhưng cũng không nới lỏng các biện pháp đang áp dụng.
Người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chính trị của Viện Mỹ Latinh, thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga, ông Zbigniew Ivanovski nói rằng đã đến lúc phương Tây phải chấp nhận sự thất bại trong chính sách trừng phạt và bắt đầu xây dựng một mối quan hệ mới. Ông Ivanovski hy vọng rằng sau Cuba, Washington sẽ nhanh chóng nhận thức được sự vô ích của biện pháp trừng phạt đối với các nước khác.
Nh.Thạch (tổng hợp)
Theo Petrotimes