Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) bắt tay Chủ tịch Cuba Raul Castro trong lễ tang cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela hồi tháng 12 năm 2013.
Cách đây hơn 1 năm, tại một địa điểm bí mật ở Ottawa, Canada, các đại diện đến từ Mỹ và Cuba đã bắt đầu thảo luận về việc làm thế nào để giải quyết những ngờ vực và căng thẳng đã tồn tại hơn 50 năm qua giữa hai nước, mà trước tiên là những vấn đề liên quan đến trao đổi tù nhân chính trị và quan điểm về dân chủ. Vẫn chưa rõ những đại diện cho Cuba là ai nhưng về phía Mỹ, trưởng đoàn đàm phán là Ben Rhodes - Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - một trong những phụ tá tin cậy nhất của Tổng thống Barack Obama.
Chính phủ Canada cho đến giờ này vẫn im lặng về những gì đã diễn ra ở Ottawa, nhưng trong một tuyên bố hôm 17/12, Thủ tướng Canada Steven Harper đã bày tỏ “sự hân hạnh của Canada khi là nơi diễn ra các cuộc đàm phán quan trọng giữa các quan chức cao cấp của Mỹ và Cuba”.
Vẫn chưa rõ về những người đã khởi xướng các cuộc đàm phán, nhưng theo Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Shawn Turn, Tổng thống Barack Obama ngay từ đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của mình (đầu năm 2013) đã cho phép khởi động các cuộc đối thoại thăm dò bí mật với Havana.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến sự hậu thuẫn của Vatican, mà đứng đầu là Đức Giáo Hoàng Francis - Giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ Latinh đầu tiên - người được cả Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro ca ngợi ngay sau khi công bố quyết định lịch sử.
Nói thêm về vai trò của Vatican, thực tế thì Tòa thánh đã tham gia vào tiến trình giúp bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba từ tháng 03/2012, khi một nhóm các nhà lập pháp Mỹ đến thăm văn phòng đại sứ Tòa Thánh ở Washington để nhờ giúp đỡ. Kể từ đó, thông qua cuộc chuyển giao quyền lực giữa Giáo hoàng Benedict XVI và Giáo hoàng Francis, “quan hệ Mỹ-Cuba luôn nằm trong trong tầm theo dõi của Vatican”, theo lời Thượng nghị sĩ Barbara Mikulski thuộc bang Maryland.
Khi Tổng thống Obama tới thăm Tòa thánh hồi tháng 3/2014, Giáo hoàng Francis đã đề cập với ông khả năng tái lập quan hệ Mỹ - Cuba. Đến mùa hè, Giáo hoàng đã gửi thư cho cả ông Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro, hối thúc hai bên chấm dứt tình trạng thù địch kéo dài nhiều thập kỷ. Trong quãng thời gian đó, Ngoại trưởng Kerry đã 4 lần đàm phán qua điện thoại với người đồng cấp Cuba Bruno Rodriguez, chủ yếu tập trung vào trường hợp của Alan Gross - người từng một nhà thầu phụ cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, bị Cuba bắt năm 2009 và cáo buộc tội gián điệp, âm mưu lật đổ chính quyền và tuyên án 15 năm tù giam. Đến mùa thu, quan chức Mỹ và Cuba đã hoàn tất thỏa thuận trả tự do cho Gross trong cuộc gặp ở Vatican.
Ông Alan Gross và vợ trong cuộc họp báo hôm 17/12 tại Washington sau khi được trả tự do
Trên tờ Washington Post (18/12/2014), một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Barack Obama nói rằng, việc Cuba trả tự do cho Alan Gross là động lực mang tính then chốt đối với quyết định bình thường hóa quan hệ với Havana. Đây cũng là quan điểm kiên định và điều kiện tiên quyết để cải thiện quan hệ hai nước của Mỹ trong các cuộc đàm phán với Cuba.
Ngoài ra, trong các cuộc đàm phán, Washington còn luôn nhấn mạnh việc trả tự do cho một gián điệp Mỹ đã “bóc lịch” gần 20 năm qua trong nhà giam ở Cuba. Washington không công khai danh tính người này, nhưng theo một thông báo của Văn phòng Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper, người này là “một công cụ trong quá trình nhận diện và phá một số hoạt động tình báo của Cuba ở Mỹ”.
Trong số những người làm gián điệp cho Cuba bị đặc vụ này lật mặt có Ana Belen Montes - một nhà phân tích cấp cao của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, vợ chồng nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ Walter Kendall Myers. Cả ba người này bị cáo buộc là thành viên của mạng lưới gián điệp có trụ sở tại bang Florida với tên gọi “Mạng lưới Ong bắp cày”.
Thực tế, theo một quan chức Mỹ, mặc dù đã đạt được thỏa thuận về vấn đề trao đổi tù nhân nhưng trong các cuộc đàm phán, hai bên vẫn còn nhiều bất đồng chưa được giải quyết. Phía Cuba lặp lại lời kêu gọi Mỹ chấm dứt chương trình mà Havana cho là nhằm lật đổ chế độ ở nước này. Washington không chấp thuận những yêu cầu trên vì cho rằng mục đích của những gì họ đang làm là để thúc đẩy dân chủ.
Tuy nhiên, điều quan trọng là hai bên đã đi tới quyết định bình thường hóa quan hệ - một động thái mang tính bước ngoặt lịch sử, mang lại sự khởi đầu mới cho quan hệ Mỹ - Cuba. Đó không chỉ đơn giản là việc Mỹ sẽ sớm mở Đại sứ quán ở Havana mà tiến tới sẽ còn là sự nới lỏng, thậm chí bãi bỏ các cấm vận, hạn chế về du lịch và đầu tư thương mại của Mỹ với Cuba, chấm dứt một thời kỳ sai lầm trong chính sách đối ngoại của Mỹ với đảo quốc Caribe, như lời Tổng thống Barack Obama: “Nếu có bất kỳ chính sách ngoại giao nào của Mỹ đã bị lỗi thời, thì đó là chính sách Mỹ-Cuba”.
Linh Phương (tổng hợp)
Theo Petrotimes