Tổng thống Obama dọa sẽ đưa Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố
Ngày 21/12, phát biểu trên hãng tin CNN, Tổng thống Mỹ Obama cho Chính phủ Mỹ đang cân nhắc việc đưa Triều Tiên vào danh sách bảo trợ khủng bố, sau 6 năm Bình Nhưỡng được rút ra khỏi danh sách này, sau vụ tấn công tin tặc hãng Sony Pictures mà Cục điều tra Liên bang Mỹ cho rằng Triều Tiên là thủ phạm.
Triều Tiên đã chính thức bác bỏ những cáo buộc của Mỹ, đồng thời đề nghị tham gia vào cuộc điều tra chung để làm rõ nguyên nhân.
Triều Tiên đã bị đặt trong danh sách bảo trợ khủng bố của Mỹ trong 2 thập kỷ cho đến khi Nhà Trắng gỡ bỏ quy định này năm 2008, sau khi Bình Nhưỡng chấp thuận xác minh đầy đủ các địa điểm hạt nhân của nước này.
Hiện nay có 4 quốc gia bị Mỹ liệt vào danh sách này gồm Iran, Syria, Sudan và Cuba. Sau tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Cuba hồi tuần trước, Tổng thống Obama đang kêu gọi quốc hội nước này đưa Cuba ra khỏi danh sách trên.
Hàng năm, Bộ Ngoại giao Mỹ đều liệt kê danh sách những nước mà Washington cho là tài trợ khủng bố, để từ đó áp đặt lệnh cấm vận theo luật của Mỹ đối với các nước này.
Trong trường hợp Triều Tiên bị Mỹ đưa trở lại danh sách này thì chính quyền Bình Nhưỡng sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Nếu bị Bộ Ngoại giao Mỹ liệt vào danh sách bảo trợ khủng bố, một quốc gia có thể phải chịu 4 biện pháp trừng phạt và hạn chế của Mỹ. Thứ nhất là Triều Tiên sẽ bị hạn chế viện trợ nước ngoài. Cụ thể là Mỹ cùng các đồng minh trên thế giới sẽ cắt/giảm viện trợ cho Triều Tiên, dưới bất kỳ hình thức nào. Thứ hai, Mỹ sẽ ban hành lệnh cấm xuất khẩu quốc phòng cho Triều Tiên. Thứ ba là Chính phủ Mỹ sẽ kiểm soát chặt chẽ hàng xuất khẩu từ Mỹ vào Triều Tiên. Những mặt hàng dân sự bị tình nghi có khả năng bị chuyển đổi mục đích thành quân sự đều bị hạn chế hoặc cấm. Và cuối cùng là Mỹ sẽ vận động các đồng minh của mình kiểm soát tài chính và các lĩnh vực khác của Triều Tiên.
Lâu nay các nước nằm trong danh sách trên vẫn tố cáo Mỹ đơn phương đưa ra cái gọi là "danh sách những quốc gia bảo trợ khủng bố quốc tế" để biện minh cho chính sách bao vây cấm vận của mình.
Trong lịch sử, chưa có một quốc gia nào sau khi được đưa ra khỏi danh sách bảo trợ khủng bố lại bị đưa trở lại. Do dó, nhiều khả năng Triều Tiên sẽ không bị Mỹ dùng tới biện pháp trừng phạt này. Rất có thể Mỹ sẽ xem xét tới các biện pháp trừng phạt khác như đáp trả về mặt cộng nghệ mà vụ Triều Tiên bị mất Internet hoàn toàn trong 9 giờ qua là một dấu hiệu cho hành động “trả thù” của Mỹ.
Nh.Thạch (tổng hợp)
Theo Petrotimes