Mỹ từng chỉ rõ lợi ích của việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc vì cho rằng, hệ thống này vô hại, và được thiết kế chỉ để bắn hạ tên lửa đạn đạo tầm gần và tầm trung. Điều đáng nói là tuyên bố của người đại diện Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kwang-il được đưa ra sau cảnh báo của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, và sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo.
Và tuyên bố kể trên của Seoul có cùng nội dung với phát biểu trước đó của Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Mark Lippert (27/01), theo đó Washington sẽ tự xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa phù hợp với điều kiện chiến lược của bán đảo Triều Tiên.
Mỹ thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao đoạn cuối THAAD
Ngày 06/02, tờ Tin tức Tham khảo (Trung Quốc) dẫn lại thông tin trên trang mạng Chosun Ilbo (Hàn Quốc): Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã bày tỏ mối quan ngại đối với việc quân đội Mỹ tại Hàn Quốc triển khai hệ thống THAAD khi hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo (04/02).
Tuy ông Thường Vạn Toàn và ông Han Min-koo nhanh chóng khai thông đường dây nóng giữa Bộ Quốc phòng Trung-Hàn (trở thành nước thứ 3 mở đường dây nóng Bộ Quốc phòng với Hàn Quốc, sau Mỹ và Nhật Bản), nhưng Bắc Kinh vẫn bày tỏ mối quan ngại về việc quân đội Mỹ tại Hàn Quốc triển khai THAAD.
Trước chuyến thăm 3 ngày của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tại Hàn Quốc, giới truyền thông từng đưa tin, theo đó lãnh đạo Bộ Quốc phòng 2 nước sẽ thương đàm về tình hình song phương cùng quan tâm như thiết lập đường dây nóng quân sự Trung-Hàn và “vấn đề THAAD”.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc
Cũng trong ngày 06/02, tờ JoongAng Ilbo đưa tin, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từng đề nghị Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye từ chối mọi đề nghị của Washington nhằm triển khai hệ thống THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc. Bởi tại cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 07/2014 ở Seoul, ông Tập Cận Bình đã nói với bà Park Geun-hye về hệ thống THAAD. Nhưng theo nhận định của một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Seoul có thể sẽ cho phép Mỹ triển khai hệ thống THAAD bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Tờ Thời báo Hoàn cầu từng cho rằng, hệ thống THAAD có thể được sử dụng để chống lại tên lửa đạn đạo của Trung Quốc trong một cuộc xung đột tiềm tàng giữa Bắc Kinh và Tokyo vì quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp ở biển Hoa Đông.
Hơn 5 tháng trước (05/09/2014), Tân Hoa xã dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ chưa quyết định về việc triển khai hệ thống THAAD bởi “điều kiện chưa chín muồi”.
Cách đây hơn 2 tháng (18/12/2014), trang mạng World Socialist từng cho biết, Mỹ đang muốn tăng cường hợp tác với Hàn Quốc và Nhật Bản để mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo liên hợp tại khu vực Đông Bắc Á bởi đây là một phần của việc mở rộng quân bị nhằm vào Trung Quốc.
Mỹ-Hàn tổ chức diễn tập liên hợp
Cùng ngày 06/02, tờ Yomiuri Shimbun, hãng Kyodo và hãng Yonhap cho biết, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp cấp Ngoại trưởng vào cuối tháng 3 tại Seoul và đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa các quan chức đầu ngành ngoại giao của 3 nước kể từ tháng 04/2012.
Theo đó, nhiều khả năng Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se sẽ thảo luận việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại, năng lượng và môi trường, đồng thời khẳng định sự cần thiết của việc lãnh đạo 3 nước sớm họp thượng đỉnh.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cùng hai người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị và Hàn Quốc Yun Byung-se
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuy xác nhận thông tin về cuộc gặp kể trên, nhưng cũng nhấn mạnh: việc này chưa quyết định điều gì! Gần 1 năm trước (04/03/2014), khi phát biểu tại Washington, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, ông Danny Russels từng tuyên bố: Washington đặc biệt quan ngại trước sự căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, nên kêu gọi 2 đồng minh này "kiềm chế và thận trọng" để tránh ảnh hưởng tới quan hệ song phương.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 15/01, Bộ tham mưu sư đoàn liên quân Hàn Quốc-Mỹ chính thức được thành lập và đi vào hoạt động (Thiếu tướng Mỹ Thomas Bendel giữ ghế Sư trưởng, còn Sư phó do Chuẩn tướng In Seong-hwan người Hàn Quốc đảm trách), nhưng vẫn giữ nguyên cơ cấu tổ chức trong thời bình, còn khi chiến tranh nổ ra, tất cả các đơn vị thuộc Sư đoàn 2 của quân đội Mỹ đóng tại thành phố Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi, sẽ được hợp vào Lữ đoàn tăng thiết giáp 16 của quân đội Hàn Quốc.
Trước đó (11/01), hải quân Hàn Quốc cho biết, sẽ thành lập Bộ tư lệnh tàu ngầm trong tháng 02/2015 như một phần trong nỗ lực để tăng cường năng lực của lực lượng tàu ngầm nước này. Bộ tư lệnh này sẽ chịu trách nhiệm về năng lực tàu ngầm hải quân và được đặt dưới sự chỉ huy của tướng 2 sao.
Từ 02/02 đến 13/02, không quân Hàn Quốc bắt đầu diễn tập tác chiến không quân mang tên Soaring Eagle với sự tham gia của máy bay chiến đấu FA-50 do Seoul sản xuất, và mới trang bị cho quân đội nước này hôm 30/10/2014. Đây là lần đầu tiên không quân Hàn Quốc tổ chức diễn tập một mình với quy mô lớn chưa từng có khi huy động hơn 40 máy bay, bao gồm máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng cùng hơn 320 binh sĩ và hơn 80 phi công tham gia diễn tập.
Ngày 30/10/2014, không quân Hàn Quốc đã tổ chức lễ kỷ niệm triển khai nhiệm vụ trực chiến dòng máy bay chiến đấu quốc nội FA-50 tại căn cứ không quân Wonju, tỉnh Gangwon với sự có mặt của Tổng thống Park Geun-hye. Hàn Quốc quyết định sử dụng dòng máy bay này thay thế cho loại máy bay chiến đấu cũ, mua của Mỹ như F-5E/F; đồng thời tạo thế chủ động trong lĩnh vực này.
|
Tuấn Quỳnh (tổng hợp)
Theo Petrotimes