Phán quyết lịch sử 12/7 và ứng xử của Việt Nam
25 Tháng Bảy 2016 7:37 SA GMT+7
(PLO) - Ngày 23/7, Trường Đại học Luật TP HCM đã tổ chức hội thảo “Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982” với sự tham gia của các chuyên gia pháp lý trong nước và quốc tế.
Phán quyết lịch sử 12/7 và ứng xử của Việt Nam

Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) đã ra Phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc sau hơn 3 năm xem xét. Phán quyết của Hội đồng Trọng tài sẽ mở ra một hy vọng mới về vấn đề tranh chấp biển Đông trong những năm tới.

Phán quyết lịch sử 12/7

Là một quốc gia thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), ngày 22/01/2013, Philippines đã đệ đơn kiện về việc Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai UNCLOS theo Điều 279, Điều 283, Điều 284 lên Tòa Trọng tài thành lập theo phụ lục VII UNCLOS.

Theo đó, Philippines khởi kiện Trung Quốc 15 nội dung, tập trung vào 3 nhóm vấn đề chủ chốt. Ngày 19/02/2013, Trung Quốc gửi Công hàm từ chối tham gia vụ kiện và trả lại bản Thông báo của Philippines.

Ngày 29/10/2015, Tòa Trọng tài ra thông cáo báo chí về vụ kiện giữa Philippines với Trung Quốc; trong đó đã khẳng định rằng Tòa Trọng tài có thẩm quyền thụ lý, xét xử vụ kiện này theo đúng quy định của UNCLOS và rằng, cả Trung Quốc và Philippines đều là thành viên ràng buộc của UNCLOS, có trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ mọi điều khoản của UNCLOS. Việc Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện không làm mất đi thẩm quyền ra phán quyết của Tòa Trọng tài.

Ngày 12/7/2016, các thẩm phán đã cùng nhất trí ủng hộ phần lớn quan điểm của Philippines trong vụ kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Phán quyết này gần như ủng hộ hoàn toàn Philippines.

Phán quyết của Tòa Trọng tài khẳng định yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn” là trái với UNCLOS; Trung Quốc không có “tư cách lịch sử” đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về “các quyền lịch sử” đối với những nguồn tài nguyên trong “đường 9 đoạn”.

Theo Tòa Trọng tài, không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế. Trung Quốc không có quyền hạn đối với vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý của bãi Mischief (Vành Khăn) hay bãi Thomas (Cỏ Mây). PCA cũng khẳng định thực thể Itu Aba (Ba Bình) thuộc quần đảo Trường Sa là “bãi đá”, nên không có vùng đặc quyền kinh tế. 

Tòa Trọng tài cũng cho rằng Bắc Kinh đã làm tổn hại lâu dài và không thể bù đắp được hệ sinh thái san hô ở quần đảo Trường Sa. Hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc sau khi Philippines nộp đơn khởi kiện đã làm trầm trọng thêm những tranh cãi pháp lý đối với yêu sách biển và bảo vệ môi trường biển.

Phán quyết của Tòa Trọng tài cũng nhấn mạnh, Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Philippines tại bãi Scarborough (Hoàng Nham) trên Biển Đông. Theo Tòa Trọng tài, những hành động của Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm những tranh chấp với Philippines trong lúc các bên đang nỗ lực để giải quyết vấn đề.

Việt Nam được gì sau phán quyết của Tòa Trọng tài?

Trong bài tham luận của mình tại Hội thảo, TS Trần Thanh Long - giảng viên Khoa Luật quốc tế, Trường Đại học Luật TP HCM đã chỉ ra những thuận lợi mà Việt Nam có được sau phán quyết ngày 12/7 của Tòa. Theo đó, phán quyết của Tòa có thể xem là một thắng lợi cực kì quan trọng của Philippines nói riêng và cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình, tuân thủ và thượng tôn pháp luật.

Một mặt, phán quyết này làm giàu thêm kho tàng kiến thức lý luận về luật pháp biển, mặt khác là văn kiện quan trọng làm rõ yêu sách mơ hồ, ngụy biện và thiếu căn cứ pháp lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Phán quyết mở đường cho nỗ lực của các quốc gia nhằm giải quyết tranh chấp Biển Đông trên cơ sở hòa bình, hiệu quả.

Mặc dù các quy định của UNCLOS không thiết lập một cơ chế thực thi phán quyết, đồng thời Trung Quốc vẫn cứng rắn tuyên bố không chấp nhận hiệu lực của phán quyết này, nhưng các sức ép về chính trị, ngoại giao đang đè nặng lên Trung Quốc, buộc nước này phải có những động thái thay đổi trong tương lai.

Đối với Việt Nam, phán quyết sẽ có những tác động nhất định đối với việc thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của mình trên Biển Đông. Phán quyết cũng đưa đến những gợi mở pháp lý và những kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc sử dụng cơ chế tư pháp và sử dụng những lập luận pháp lý tại các cơ chế này trong tương lai. 

Hàng loạt câu hỏi liên quan đến vấn đề Việt Nam có nên hay không kiện Trung quốc ra tòa quốc tế giống như Philippines đã làm đã nóng bầu không khí của buổi hội thảo. Theo GS.TS Erick Frankx – Trưởng Khoa Luật quốc tế và Luật châu Âu, Đại học Vrije Brussel, Thành viên Tòa Trọng tài thường trực La Hay cho biết: “Việc sử dụng biện pháp nào để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là một vấn đề rất quan trọng đối với Việt Nam cũng như một số nước ASEAN.

Trước mắt, Việt Nam nên nghiên cứu diễn biến về vụ kiện của Philippines, xem Trung Quốc và Philippines đã giải quyết như thế nào, các bên cũng phải đàm phán ra sao? Nếu như việc đàm phán này không thành thì Việt Nam cũng nên cân nhắc đến biện pháp tiếp theo đó là sử dụng các biện pháp tư pháp. Tuy nhiên cũng cần tính tới hệ quả mà nó đem lại. Việc sử dụng Tòa Trọng tài là một lựa chọn không nên bỏ qua”.

Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS Jay Batongbacal – Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển, Đại học Philippines cũng chỉ ra rằng: “Việt Nam có thể xem xét việc tiến hành một vụ kiện của riêng mình với Trung Quốc dựa trên cơ sở các hành vi vi phạm của Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam không chỉ đơn giản là phản ánh cách tiếp cận của Philippines mà phải thiết kế cho mình một bản yêu sách riêng. “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc và những vấn đề về hình thái dựa trên phán quyết của Tòa, Việt Nam có thể sử dụng cho vụ kiện của mình.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn rất nhiều biện pháp để tiến hành trước khi tìm đến Tòa Trọng tài như thực hiện đàm phán, tạo áp lực về ngoại giao hay tìm đến hướng dẫn của UNCLOS... Sử dụng tư pháp chỉ là biện pháp cuối cùng khi các biện pháp trên không có hiệu quả”.

GS.TS Carl Thayer – Học viện Quốc phòng Australia cũng đóng góp thêm: “Việt Nam cũng nên cân nhắc việc sử dụng biện pháp tư pháp để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, trước khi thực hiện biện pháp ấy, Việt Nam cần xem xét một cách kĩ càng và cẩn trọng, xem biện pháp ấy có tác động tích cực hay tiêu cực trong việc giải quyết tranh chấp trên biển. Việt Nam sẽ phải cùng các nước ven biển khác dùng các biện pháp khác để gây áp lực đối với Trung Quốc về mặt chính trị. Mỗi khi Trung Quốc có những hành động vi phạm luật quốc tế, chúng ta cần phải ghi chú, thông tin rộng rãi về những hành vi đó.

Tôi không hài lòng với việc Trung Quốc hạ thấp vai trò, quy định của luật quốc tế. Hành động đó có ảnh hưởng rất lớn đến vai trò, vị trí của Trung Quốc trên trường quốc tế. Trung Quốc có thể không tuân thủ hoặc tuân thủ một cách chậm chạp. Nhưng theo tôi, việc tuân thủ phán quyết này là việc mà Trung Quốc cần thực hiện”- GS.TS Carl Thayer nêu quan điểm./.

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.