Sáng sớm ngày 13/9, Armenia và Azerbaijan đã vướng vào một cuộc đụng độ được xem là tồi tệ nhất kể từ cuộc chiến tranh 6 tuần năm 2020 liên quan tới vùng Nagorno-Karabakh (Azerbaijan hiện định danh là Karabakh). Theo thông báo của 2 bên, 99 quân nhân từ 2 phía đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh.
Xe quân sự của Azerbaijan ở Lachin, khu vực giáp biên giới với Armenia (Ảnh minh họa: Getty).
Vài giờ sau khi tiếng súng nổ ra, Nga vào cùng ngày thông báo đã làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn giữa 2 quốc gia Liên Xô cũ.
Tuy nhiên, Armenia vào ngày 14/9 đã cáo buộc Azerbaijan thực hiện các vụ tấn công mới vào khu vực biên giới. Azerbaijan sau đó cũng tố ngược lại Armenia là bên phá vỡ lệnh ngừng bắn chỉ sau một ngày.
Nagorno-Karabakh là trung tâm của cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan trong hàng chục năm qua. Đây là khu vực được cộng đồng quốc tế công nhận là thuộc Azerbaijan nhưng có nhiều người Armenia sinh sống.
Tuy nhiên, xung đột lần này không liên quan tới khu vực nói trên, mà là các khu vực ở biên giới 2 nước. Cả 2 quốc gia cáo buộc bên còn lại tấn công trước.
Theo chuyên gia chính trị người Armenia Tatul Hakobyan, căng thẳng leo thang giữa 2 nước Liên Xô cũ dường như là do hậu quả của các cuộc đàm phán hòa bình bị đình trệ trước đó.
Trong cuộc chiến tranh hồi năm 2020, nhờ giành được lợi thế trên chiến trường, Azerbaijan đã đàm phán giành lại được quyền kiểm soát một phần vùng Nagorno-Karabakh và 7 khu vực lân cận mà Baku cáo buộc lực lượng quân đội Armenia đã hiện diện trái phép trong hàng chục năm.
Sau đó, trong các cuộc gặp ở Bỉ do EU làm trung gian, Armenia và Azerbaijan đã đồng thuận sẽ tiến hành đàm phán về thỏa thuận hòa bình.