Nhân chứng bí mật nói chuyện với các nhà điều tra Nga.
Tối 23/12, Ủy ban Điều tra Nga đã nhận được bằng chứng về sự tham gia của máy bay quân sự Ukraine trong vụ rơi máy bay Boeing 777 của Malaysia.
Trong thông cáo của mình, Ủy ban Điều tra Nga cho hay họ đã gặp quân nhân Ukraine, người khẳng định đã tự nguyện rời khỏi đơn vị quân đội và chuyển vào lãnh thổ Liên bang Nga. Quân nhân này nói với các nhà điều tra về những ngày cuối cùng phục vụ tại một trong các đơn vị thuộc lực lượng không quân Ukraine.
Thông cáo viết: “Theo nhân chứng này, chuyến bay MH17, bị bắn rơi ngày 17/7, có thể bởi một máy bay quân sự SU-25, thuộc không quân Ukraine, do đại úy Voloshin điều khiển”.
Chiếc máy bay chiến đấu này đã cất cánh từ sân bay quân sự ở ngoại ô Dnepropetrovsk, miền đông Ukraine. Nhân chứng đã phục vụ tại chính sân bay đó. Theo lời khai của người này, anh ta đã tận mắt thấy chiếc SU-25 được gắn tên lửa không đối không R-60 trước khi cất cánh. Nhân chứng này nói đây là điều bất thường vì trong hoàn cảnh bình thường loại máy bay này không được trang bị tên lửa không đối không như thế.
Theo các nhà điều tra Nga, lời khai của nhân chứng này hoàn toàn đáng tin vì anh ta đã được kiểm tra qua máy phát hiện nói dối.
Bản thông cáo viết: “Nhân chứng đã nhận thấy ngay rằng khi chiếc SU-25 quay lại sân bay, thì không thấy còn tên lửa và anh ta đã nghe rõ lời của viên phi công Voloshin, với giọng rất sợ hãi, nói với một binh sĩ: “Chiếc máy bay xuất hiện không đúng chỗ, không đúng lúc”.
Nguồn tin của báo Komsomolskaya Pravda không loại trừ rằng viên phi công Voloshin có thể đã nhầm chiếc MH17 là máy bay chiến đấu.
Các nhà điều tra Nga tuyên bố sẵn sàng chia sẻ các bằng chứng với giới điều tra quốc tế.
Chiếc Boeing của Malaysia Airlines khởi hành từ Amsterdam đến Kuala Lumpur, đã bị bắn rơi ngày 17/07, ở phía đông Ukraine. 298 người trên máy bay, trong đó hai phần ba là nguời Hà Lan, đã thiệt mạng.
Ngay khi tai nạn xảy ra, Ukraine và Mỹ khẳng định máy bay bị bắn rơi bởi tên lửa phòng không mà Nga cung cấp cho lực lượng ly khai. Nhưng họ lại không đưa ra được bằng chứng cụ thể nào. Moskva đã bác bỏ cáo buộc này và đổ lỗi cho quân đội Ukraine.
Trong báo cáo kết quả điều tra đầu tiên, được công bố hồi tháng 09/2014, các nhà điều tra quốc tế cho rằng máy bay đã bị các viên đạn có nhiệt độ rất cao, bắn thủng, nhưng không xác định rõ ràng đó là tên lửa. Bản báo cáo cuối cùng sẽ được công bố vào mùa hè 2015.
Vào cùng thời điểm chiếc máy bay MH17 bị rơi, một vệ tinh của Mỹ đã bay qua khu vực miền đông của Ukraine nên rất có thể chụp được những bằng chứng về vụ tai nạn. Mới đây, Mỹ đã chuyển dữ liệu này cho các nhà điều tra quốc tế nhưng nội dung hiện vẫn chưa được tiết lộ.
Nh.Thạch (tổng hợp)
Theo Petrotimes