Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov tố cáo NATO xúi giục Ukraine từ bỏ quy chế trung lập
Hôm 23/12, Quốc hội Ukraine đã thông qua dự luật từ bỏ quy chế quốc gia trung lập, vốn được chính quyền Tổng thống Poroshenko coi là “xiềng xích” với an ninh quốc gia. Văn kiện này nhằm mở đường cho Ukraine đến với khối NATO, đồng thời cũng bao hàm điều khoản cho phép Kiev có thể hội nhập vào không gian chính trị, kinh tế và luật pháp của châu Âu để trở thành thành viên Liên minh châu Âu.
Ngay sau quyết định trên, Moskva đã có phản ứng mạnh mẽ và liên tiếp. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gọi việc Ukraine từ bỏ quy chế chính trị và quân sự trung lập là một bước đi phản tác dụng, chỉ làm gia tăng căng thẳng tại miền Đông nước này. Ông nói: "Tôi nghĩ dự luật vừa được Quốc hội Ukraine thông qua hoàn toàn phản tác dụng. Nó tạo ảo tưởng rằng việc Ukraine thông qua những dự luật như vậy có thể giải quyết cuộc khủng hoảng sâu sắc trong nước. Thay vào đó, Ukraine cần phải chấm dứt leo thang đối đầu, mở một cuộc đối thoại cởi mở và toàn diện, cải cách hiến pháp với sự tham gia của tất cả các khu vực, các lực lượng chính trị”.
Thủ tướng Dmitri Medvedev thì cảnh báo: “Trên thực tế, đây là đơn xin vào NATO và điều này sẽ biến Ukraine thành một đối thủ quân sự tiềm tàng của Nga và Moskva sẽ buộc phải hành động”.
Ngày 24/12, Thứ trưởng Quốc phòng Nga cho rằng NATO đang tìm cách biến Ukraine thành chiến trường trong cuộc đối đầu với Moskva. Hãng tin Interfax dẫn lời của ông Anatoli Antonov tuyên bố: “Các nước trong NATO đã thúc đẩy Kiev đưa ra quyết định (từ bỏ quy chế không liên kết) phản tác dụng, nhằm tìm cách biến Ukraine thành tiền tuyến trong cuộc xung đột với Nga”. Người đứng đầu quân đội Nga nhận định quyết định của Quốc hội Ukraine chỉ làm cho tình hình, vốn đã khó khăn, sẽ phức tạp thêm.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga cảnh cáo về nguy cơ Ukraine gia nhập NATO: “Nếu quyết định này, trong tương lai, mang tính chất quân sự, chúng tôi sẽ đáp trả một cách thích hợp. Ông Antonov khẳng định Nga sẽ cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ với NATO và điều này sẽ rất khó được khôi phục nếu Kiev gia nhập NATO”.
Ngay khi Crưm tái sáp nhập vào Nga, NATO đã đình chỉ nhiều chương trình hợp tác với Nga. Theo Bộ Quốc phòng Nga thì Hiệp ước START-3 là một trong số ít những gì còn lại giữa Moskva và Washington trong lĩnh vực an ninh toàn cầu. Nếu hiệp ước này cũng bị vi phạm nốt thì chiến tranh hạt nhân là điều khó tránh khỏi.
Trước sự phản ứng của Nga, ngày 25/12, Chính quyền Tổng thống Ukraine tuyên bố rằng còn quá sớm để nêu vấn đề gia nhập của Ukraina vào NATO ở giai đoạn này vì còn phải thực hiện một loạt các cải cách. Tại cuộc họp báo hôm nay, Phó Văn phòng Tổng thống Ukraine Valeri Chalyi tuyên bố rằng việc gia nhập NATO của Ukraina “không phải là vấn đề của ngay ngày mai”. “Chúng tôi cần phải tiến hành cải cách quân đội để đạt được các tiêu chí của NATO, và sau đó sẽ là một quyết định chính trị về việc gia nhập tổ chức. Vào thời điểm hiện nay, quyết định trên chỉ có thể được thực hiện dựa trên kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý” - ông Chalyi giải thích.
Trong bối cảnh đó, hôm qua 24/12, tại thủ đô Minsk của Belarus, một cuộc họp của nhóm tiếp xúc về vấn đề Ukraine với sự tham dự của Nga, Ukraine, lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine, Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đã được tiến hành.
Cuộc họp này tập trung vào hai vấn đề, đó là rút quân và viện trợ. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã kết thúc mà không có bất kỳ tiến triển nào và hiện vẫn chưa xác định được thời gian của các vòng đàm phán tiếp theo.
Trước đó, hồi tháng 9 cũng tại Minsk, nhóm tiếp xúc về vấn đề Ukraine đã thông qua một biên bản ghi nhớ về việc thực hiện các lệnh ngừng bắn ở Ukraine, tuy nhiên lệnh ngừng bắn này đã liên tục bị các bên phá vỡ.
Nh.Thạch (tổng hợp)
Theo Petrotimes