Phản ứng khác thường của Triều Tiên
Ngày 25/12, Sony Pictures đã đưa phim "Phỏng vấn" lên YouTube, Google Play và Microsoft Xbox Video, đồng thời công chiếu tại 300 rạp ở Mỹ. Itunes của Apple và 10 mạng lưới rạp chiếu phim lớn từ chối chiếu phim này sau khi tin tặc nặc danh gửi thư đến Sony Pictures đe dọa tấn công khủng bố trong buổi ra mắt.
Phim kể về cuộc phiêu lưu của hai nhà báo có cơ hội phỏng vấn ông Kim Jong-un. Trước chuyến đi đến Triều Tiên, họ theo học khóa đặc nhiệm và nhận lệnh ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Triều Tiên lên án việc phát hành phim “Phỏng vấn”, và hứa sẽ đáp trả đích đáng nếu nhà phát hành vẫn cố tình cho phim này ra rạp.
Tuy nhiên, từ hôm 25/12 đến nay, Bình Nhưỡng chỉ phản ứng thông qua các phương tiện truyền thông chứ không hề có chuyện “động binh nào”. Kim Sung, Đại sứ thường trực CHDCND Triều Tiên tại LHQ chỉ tuyên bố rằng Bình Nhưỡng không liên quan đến các cuộc tấn công hacker vào hãng phim Sony Pictures và có thể chứng minh điều này. Ông Kim bày tỏ sự bất bình với việc Mỹ từ chối hợp tác với Triều Tiên để điều tra.
Có thể thấy, phản ứng của Triều Tiên trong lần này là hết sức chừng mực và rất khác so với trước đây. Vì sao vậy?
Triều Tiên tuyên bố sẽ trả đũa quân sự vào toàn bộ lãnh thổ Mỹ nếu Washington tiếp tục cáo buộc Bình Nhưỡng tấn công tin tặc
Theo thông lệ, Triều Tiên sẽ thông báo thử hạt nhân sau khi Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết đưa chế độ Bình Nhưỡng ra trước Tòa án hình sự quốc tế vì vi phạm nhân quyền. Và theo phản ứng thường thấy, Triều Tiên sẽ bắn thử nhiều loại tên lửa sau khi Mỹ lớn tiếng cáo buộc Bình Nhưỡng tấn công tin tặc. Nhưng Triều Tiên đã không hành động như thông lệ cũ...
Ngày 12/2/2013, Triều Tiên tuyên bố thử thành công hạt nhân lần thứ ba để phản đối nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, mở rộng trừng phạt Bình Nhưỡng vì việc họ đã cho phóng tên lửa tầm xa. Các lần thử hạt nhân trước đó của Triều Tiên cũng được thực hiện trong những điều kiện tương tự vào năm 2009 và 2006.
Theo hãng tin Yonhap, Triều Tiên đã bắn tổng cộng 111 tên lửa, tất cả đều là tầm ngắn và tầm trung, trong 19 lần phóng trong năm nay. Những cuộc bắn thử tên lửa của Bình Nhưỡng thường đi sau các tập trận chung của quân đội Mỹ và Hàn Quốc.
Đó là những gì Triều Tiên thường làm mỗi khi bị chỉ trích hoặc cảm thấy bị đe dọa.
Ngày 18/12 vừa qua, Đại hội đồng LHQ yêu cầu Hội đồng Bảo an đưa Triều Tiên ra Tòa án hình sự Quốc tế vì tội ác chống nhân loại. Nghị quyết không có tính ràng buộc pháp lý được thông qua với 116 phiếu thuận, 20 phiếu chống, và 53 phiếu trắng tại Đại hội đồng LHQ.
Ngay lập tức Triều Tiên đã có phản ứng nhưng rất khác xưa. Đại diện Triều Tiên tại LHQ, An Myong Hun, mô tả nghị quyết này là “sản phẩm của một âm mưu chính trị và sự đối đầu”, đồng thời tuyên bố tẩy chay cuộc họp của Hội đồng Bảo an vào hôm 22/12. Đồng thời, ông An Myong Hun đã kêu gọi Đại Hội đồng LHQ hãy xem xét một hồ sơ khác mà ông gọi là “nghiêm trọng hơn”. Đó là vấn đề CIA tra tấn hàng trăm tù nhân tại nhiều nhà tù bí mật của Mỹ trên thế giới.
Còn nhớ, ngay khi Thượng viện Mỹ công bố báo về các hành vi tra tấn của CIA, Triều Tiên là quốc gia đầu tiên lên tiếng. Bộ Ngoại giao Triều Tiên, ngày 10/12, ra thông điệp kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ lên án hành động vô nhân đạo của tình báo Mỹ. Trong thông điệp được hãng tin chính thức của Triều Tiên trích dẫn, có đoạn: “Nếu Hội đồng Bảo an muốn tiếp tục thảo luận về nhân quyền, thì cần (…) quan tâm đến nhiều vi phạm nhân quyền tại Mỹ”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng đòi hỏi Hội đồng Bảo an LHQ chú ý đến những trường hợp nhiều người da đen không mang vũ khí tại Mỹ bị cảnh sát bắn chết mới đây.
Chưa dừng lại ở đó. Ngày 14/12, hãng tin chính thức KNCA tổ chức họp báo cho một công dân Mỹ 29 tuổi, xâm nhập bất hợp pháp, tố cáo chính sách nội trị và ngoại giao của Mỹ. Người Mỹ tự xưng là Arturo Pierre Martinez, gốc gác bang Texas, Mỹ, đã từ Trung Quốc sang Triều Tiên vào tháng 11 năm nay. Người thanh niên này nói rằng anh đã “thực hiện một cuộc hành trình đầy gian lao nguy hiểm để đến Triều Tiên với mục đích chuyển tải một số thông tin có giá trị lớn và gây phiền toái”. Anh tố cáo “nước Mỹ là một nước mafia, thâu tóm tài nguyên nước ngoài”.
Đây là trường hợp chưa có tiền lệ trong đấu tranh ngoại giao giữa Triều Tiên và Mỹ.
Trước đó, nhằm phản bác lại những cáo buộc vi phạm nhân quyền, ngày 11/12, Triều Tiên đã công bố một đoạn video cho thấy hình ảnh 9 thanh thiếu niên từng trốn qua Lào nhưng sau đó đã bị cưỡng bức hồi hương. Mục đích của động thái này được cho là nhằm phản bác các thông tin theo đó những người này đã bị hành quyết hay giam cầm khi về nước như những gì truyền thông phương Tây lan truyền.
Bình Nhưỡng bắt đầu dùng quyền lực mềm?
Và phản ứng mới nhất của Bình Nhưỡng về vụ tin tặc tấn công hãng phim Sony Pictures cũng theo chiều hướng này. Ngày 19/12, đích thân Tổng thống Barack Obama cáo buộc Bình Nhưỡng đứng đằng sau các cuộc tin tặc nhắm vào Sony Pictures, buộc công ty điện ảnh này phải hủy bỏ việc cho ra rạp bộ phim hài về lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un, nhân dịp Noel theo dự kiến. Triều Tiên lập tức nói lý với Mỹ. Bình Nhưỡng hôm 20/12 kêu gọi điều tra chung với Mỹ, nói rằng điều đó để chứng minh Bình Nhưỡng không liên quan vụ việc.
Theo báo Guardian, Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định: "Không cần phải dùng đến biện pháp tra tấn giống như CIA, chúng tôi cũng có các biện pháp để chứng minh rằng Bình Nhưỡng hoàn toàn không liên quan đến cuộc tấn công vào Sony Pictures". Đề nghị này của Triều Tiên bị Mỹ khước từ. Thực tế cho thấy hiện Mỹ chưa có đủ bằng chứng xác thực để buộc tội Bình Nhưỡng đứng đằng sau vụ tấn công tin tặc này. Tất cả hiện chỉ là võ đoán.
Nếu đặt những phản ứng của Triều Tiên trong thời gian gần đây vào tổng thể những diễn biến ngoại giao chủ đạo của Bình Nhưỡng thì ta có thể thấy rằng chính sách đối ngoại của Triều Tiên đang thay đổi, theo hướng hòa giải hơn là đối đầu.
Ngày 17/11, Choe Ryong Hae, đặc phái viên của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư BCH Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, thăm Nga một tuần với mục đích thảo luận về gia tăng mức độ đối thoại chính trị và hợp tác kinh tế song phương.
Tháng trước, Bình Nhưỡng quyết định mở rộng quan hệ ngoại giao với châu Âu bằng chuyến thăm của Kang Sok Ju, Bí thư Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, tới các nước Bỉ, Thụy Sĩ, Ý và Đức.
Sự chuyển biến mới trong chính sách ngoại giao của Triều Tiên được giải thích bằng thực tế là Trung Quốc, đồng minh thân cận của Bình Nhưỡng, gần đây đã trở nên kém thân thiện so với trước. Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới bán đảo Triều Tiên, đã đến Seoul chứ không thăm Bình Nhưỡng. Trong bối cảnh đó, điều hoàn toàn tự nhiên khi Bình Nhưỡng cố gắng tìm kiếm những nhà tài trợ mới và đương nhiên ngày càng tỏ ra biết sử dụng quyền lực mềm hơn trước.
Nh.Thạch (tổng hợp)
Theo Petrotimes