Chủ tịch Kim Jong-un sử dụng máy tính - Ảnh: AFP
Ngày 22/12, tờ USA Today dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết Mỹ “không tham gia cuộc chiến tranh mạng với Triều Tiên”. Đó có thể là lời trấn an sau những mâu thuẫn giữa Nhà Trắng và Bình Nhưỡng quanh các diễn biến trên mạng gần đây.
Trước đó, Mỹ cáo buộc Triều Tiên tấn công mạng Sony vì bộ phim có nội dung ám sát lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Obama tuyên bố sẽ "đáp trả" Bình Nhưỡng. Không lâu sau tuyên bố “đáp trả” của ông chủ Nhà Trắng, mạng của Triều Tiên bị sập hoàn toàn trong hơn 9 giờ đồng hồ.
Sức mạnh không gian mạng của Triều Tiên
Với một đất nước chỉ cấp hơn 1.000 địa chỉ giao thức internet (IP) và đa phần... mù công nghệ, thì sức mạnh về mạng internet của Triều Tiên tới đâu? Câu trả lời là: Rất đáng sợ.
Vài ngày nay báo chí thế giới đã nhắc nhiều đến một lực lượng có tên Đơn vị 121, được mô tả là đội “chiến binh mạng” hùng hậu từ 1.000-3.000 người, được đào tạo bài bản từ nhỏ, chuyên nhiệm vụ đánh cắp thông tin trên khắp thế giới. Lực lượng này “lớn thứ 3 thế giới”, chỉ sau Nga và Mỹ, theo Reuters.
Simon Choi, một nhà nghiên cứu bảo mật cao cấp tại công ty chống virus Hauri Inc. ở Seoul, cho biết tin tặc Triều Tiên đã mài dũa kỹ năng của họ từ các cuộc tấn công khác nhau ở Hàn Quốc.
Triều Tiên sẽ thắng nếu có chiến tranh mạng? - Ảnh: AFP
|
Điều này được chính người Hàn Quốc kiểm chứng. Họ cáo buộc Triều Tiên đứng sau hàng loạt cuộc tấn công mạng vào Seoul suốt gần 10 năm qua, đặc biệt là 6 vụ quy mô lớn từ năm 2007.
Theo đó Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên xâm nhập hệ thống máy tính của doanh nghiệp và chính phủ nước này. Trong đó, đáng chú ý một ngân hàng ở Hàn Quốc đã tê liệt bộ phận xử lý trực tuyến suốt 2 tuần liền. Năm 2013, có tới 48.000 máy tính và máy chủ bị tấn công ở Hàn Quốc, đóng băng mọi thông tin trong 2-5 ngày.
Trước mọi cáo buộc, Triều Tiên chưa bao giờ thừa nhận họ đào tạo lực lượng “chiến binh mạng”, cũng như không chịu trách nhiệm trong bất kỳ cuộc tấn công mạng nào.
Sau vụ tin tặc tấn công Sony và sự cố mất kết nối bí ẩn của Triều Tiên, các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ hay Nhật Bản đều lập tức đánh động tập trung cho các cơ quan an ninh mạng. Họ lo ngại nếu Triều Tiên và Mỹ bước vào cuộc chiến tranh mạng, nó sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn chung.
Tạp chí The Week ngày 23/12 có bài viết nói rằng “Mỹ sẽ là khờ khạo nếu chiến tranh mạng với Triều Tiên”. Dù có thể Internet ở Mỹ phát triển hơn, nhưng thiệt hại vẫn sẽ lớn hơn.
Thứ nhất, Vox Media từng dẫn thông tin cho rằng Mỹ có cả tỉ địa chỉ IP, so với chỉ hơn 1.000 của Triều Tiên. Điều đó nói lên rằng Mỹ có quá nhiều thứ để lo, vì nước này phải bảo vệ một lượng người dùng và thông tin quá lớn.
Sẽ không khôn ngoan nếu Mỹ chiến tranh mạng với Triều Tiên - Ảnh: Reuters
|
Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với Hàn Quốc. Tờ New York Post cho rằng Hàn Quốc đã phụ thuộc quá nhiều vào Internet cho toàn bộ các hoạt động của họ. Một khi “chiến sự” nổ ra, Triều Tiên chỉ tổn tại một số ít vì họ đơn giản có quá ít người dùng internet, còn Hàn Quốc sẽ rối loạn cả xã hội.
Thứ hai, trong một diễn biến đáng chú ý, trang presstv.ir cho biết Mỹ đã gây áp lực lên Nga và Trung Quốc về vấn đề tấn công mạng của Triều Tiên theo cáo buộc. Theo đó, các “chiến binh mạng” của Bình Nhưỡng được đào tạo, tu nghiệp tại Nga vàTrung Quốc hằng năm.
Phát biểu trên Fox News hôm 24/12, Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ Ed Royce cho rằng: “Triều Tiên, nhằm mục đích bồi bổ kiến thức chuyên môn, đã gửi các tin tặc trẻ tuổi sang Moskva. Trong quá khứ, số lượng này đổ tới Bắc Kinh”.
Trong khi Nga và Mỹ có những bất đồng rõ ràng về chính trị, kinh tế, vừa qua có tin kẻ tấn công mạng Sony đã sử dụng IP ở Trung Quốc. Xem ra, Mỹ sẽ không đơn phương đấu với Triều Tiên...
Nhật Đăng
Theo TNO