|
Niềm vui chấm dứt chiến tranh lạnh của người Cuba - Ảnh: Reuters |
Ngược lại, người dân Ukraine chưa bao giờ thấy chiến tranh sát kề như thế.
Chỉ sáu ngày sau khi báo Mỹ New York Times chạy tít “Việc Mỹ khôi phục quan hệ đầy đủ với Cuba đang xóa đi dấu vết cuối cùng của chiến tranh lạnh” thì Russia Today chạy bài: “Quan hệ Nga - Mỹ bị nhiễm độc trong hàng mấy thập kỷ tới” (lời của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev).
Chiến tranh lạnh cũ vừa kết thúc, chiến tranh lạnh mới đã bùng nổ. Lỗi tại ai?
Chuyên gia André Fontaine, tác giả bộ Lịch sử chiến tranh lạnh, trả lời sẵn từ năm 1966:
“Giữa chiến tranh và hòa bình, thế giới ngày nay đã sáng chế ra chiến tranh lạnh. Nguyên nhân do lãnh đạo các siêu cường vào thời đại vũ khí hạt nhân không dám khai chiến để thỏa mãn tham vọng hay để bảo vệ lợi ích của mình”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã rất dũng cảm nhìn lại rằng:
“Cả dân Mỹ lẫn Cuba đã chẳng lợi ích gì với chính sách cứng nhắc bắt nguồn từ những sự kiện diễn ra trước khi đa số chúng ta ra đời...
Trong vài thập kỷ, mối quan hệ giữa hai nước diễn ra trong bối cảnh của cuộc chiến tranh lạnh và việc nước Mỹ quyết liệt chống lại chủ nghĩa cộng sản”.
Theo ông Obama, chiến tranh lạnh - về phía Mỹ - là do Mỹ quyết liệt chống chủ nghĩa cộng sản. Còn về phía Liên Xô là do “quyết liệt chống chủ nghĩa tư bản”.
Nói theo André Fontaine, do cả hai bên không dám trực tiếp “đánh” nhau nên mở chiến tranh lạnh. Và chiến tranh lạnh 2.0 đã nổ ra, nạn nhân đầu tiên là dân Ukraine do bom đạn cứ rơi sau khi đã sớm phải mất đi một phần lãnh thổ.
Trong khi đó, người dân Nga bị cuốn vào khủng hoảng kinh tế. Hôm 23/12, Thủ tướng Nga Medvedev cảnh cáo “thay” cho Tổng thống Vladimir Putin:
“Việc Ukraine thay đổi trạng thái phi - liên kết không theo khối nào thực chất là lá đơn xin gia nhập NATO, biến Ukraine trở thành kẻ thù tiềm năng của Nga”.
Tổng thống Ukraine Poroshenko thì giải thích rằng do Ukraine không còn lối thoát nào khác. Thực tế là sự kiện bán đảo Crimea và cảng Sevastopol của Ukraine trở thành lãnh thổ Nga và các vùng miền đông Ukraine chìm trong bạo lực cho thấy “Ukraine trở thành kẻ thù tiềm năng của Nga” đã trở thành hiện thực.
Nhưng điều mà điện Kremlin không tính được lúc đó là kinh tế Nga sẽ suy sụp chóng vánh chỉ vì một cuộc “chiến tranh dầu hỏa” bất ngờ.
Giá dầu tuột dốc không đơn giản là do OPEC quyết cạnh tranh với các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ. Đã có những nghi ngờ rằng Mỹ và Saudi Arabia bí mật hợp tác đẩy giá dầu xuống thấp để gây sức ép lên nền kinh tế Nga.
Cần nhớ rằng thị trường dầu thế giới thay đổi chóng vánh sau khi có những chỉ trích và hể hả cho rằng ông Obama đã quá “nhát” trong vụ khủng hoảng Ukraine.
Não trạng chiến tranh lạnh vẫn còn tồn tại nơi các tướng lĩnh và chiến lược gia vốn chỉ theo phương châm duy nhất “nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh”.
Khi một bên vẫn cứ theo học thuyết quân sự “mũi lao tên lửa” (từ thập niên 1950 khi Liên Xô đi trước Mỹ về tên lửa và vệ tinh) và bên kia theo chủ thuyết “lá chắn tên lửa” ngày càng tinh xảo, thì Ukraine vẫn sẽ là một “trận địa”.
Tháng 03/2014, Nga đã “tiên hạ thủ vi cường”, tưởng như đã chiến thắng, song nay trúng phản đòn kinh tế của Mỹ.
Tình hình hiện nay gây sự lo ngại lớn. Nhà binh pháp Clausewitz (mà phương Tây tôn sùng như Tôn Tử của Trung Quốc) giải thích rằng: “Chiến tranh là một cuộc xung đột giữa các lợi ích lớn lao, được thanh toán bằng máu”.
Hơn bao giờ hết, lời nguyện Giáng sinh “an bình trên Trái đất cho người thiện tâm” đang đòi hỏi thiện tâm. Đánh cờ thì hạ thủ bất hoàn.
Mới đây, Chính phủ Đức đã đặt vấn đề thăm dò: “Nếu sự toàn vẹn của Ukraine được bảo toàn, sẽ giảm trừng phạt Nga”. Liệu nước cờ ly khai ở đông Ukraine sẽ được “hoàn” lại?