Lực lượng NATO hạ cờ rút khỏi Afghanistan sau 13 năm tham chiến vô ích
Ngày 28/12/2014, lực lượng NATO tại Afghanistan (ISAF) đã hạ cờ, chính thức rút khỏi Afghanistan. Theo báo giới phương Tây thì đây một cuộc triệt thoái đầy hiểm nguy cho chính quyền Kabul vì Taliban đe dọa trở lại nắm quyền kiểm soát Afghanistan.
Từ ngày 01/01/2015, NATO sẽ chỉ đảm trách việc trợ giúp và huấn luyện quân đội Afghnistan. Liệu quân đội Afghanistan có cầm cự được không? Theo đánh giá chung, quân đội Afghanistan chưa đủ sức.
Một sĩ quan Afghanistan, đại úy Haidary ở một vùng tuyến đầu Sarkar-e-Bagh, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm chiến đấu, tin tưởng vào tương lai nhưng đã phải công nhận rằng quân đội Mỹ rút đi nhưng đã để lại thiết bị, có điều thiết bị bắt đầu rệu rã, quân đội Afghanistan, như bản thân ông, chưa được đào tạo về cách sửa chữa và cũng không có thiết bị thay thế cần thiết. Chỉ "chi tiết" này thôi cũng có cho thấy những gì đang chờ đợi quân đội Afghanistan.
Lực lượng ISAF, lúc cao điểm có tới 140.000 người, sẽ được thay thế trong năm 2015, bằng 12.500 binh sĩ ngoại quốc, chủ yếu là lính Mỹ, với nhiệm vụ chính, trên lý thuyết, là cố vấn, hỗ trợ cho quân đội Afghanistan.
Kể từ khi Mỹ và NATO tấn công vào Afghanistan, cuối năm 2001, hơn 2.300 lính Mỹ đã thiệt mạng và cuộc chiến đã làm cho Washington tốn kém gần 1.000 tỷ USD.
Về mặt công khai, Mỹ và NATO đều khẳng định là lực lượng an ninh Afghanistan, do Mỹ huấn luyện, hoàn toàn đủ khả năng chống chọi lại được phiến quân Taliban. Thế nhưng, trong các cuộc gặp riêng tư, một số quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại về nguy cơ chính quyền Kabul sụp đổ, giống như tình hình tại Iraa, nơi mà quân đội không thể ngăn cản được đà tấn công của lực lượng thánh chiến thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS.
Theo giới quan sát, hầu như các phương tiện truyền thông Mỹ không đưa tin nhiều về việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, vì lo ngại làm dấy lên sự bất bình trong công luận, vốn đã rất bi quan về cuộc xung đột này. Ngay trong hàng ngũ quân đội Mỹ, theo một cuộc thăm dò gần đây, chỉ có 23% số người được hỏi nghĩ rằng họ đã hoàn thành nhiệm vụ tại Afghanistan.
Bầu không khí ảm đạm này trái ngược hẳn với sự hồ hởi của thời kỳ đầu cuộc chiến: người dân Mỹ đã ủng hộ mạnh mẽ cuộc tấn công mà theo lời Tổng thống Mỹ lúc đó, ông Georg W.Bush, là ngăn chặn quân Taliban “sử dụng Afghanistan như là một căn cứ khủng bố”.
Bởi vì, trong thời gian đầu cuộc chiến, quân đội Mỹ đã nhanh chóng giành được các thắng lợi quan trọng: các trại huấn luyện của khủng bố Al Qaida bị xóa sổ, trong lúc các chiến binh thuộc Liên minh phương Bắc, với sự yểm trợ của không quân và lực lượng đặc nhiệm Mỹ, chỉ trong vòng có một tháng, đã lật đổ chế độ Taliban.
Vào thời điểm đó, nhiều người Mỹ đã nghĩ rằng Washington giành được thắng lợi trong một cuộc chiến mà không cần nhiều nỗ lực và tốn kém.
Thế nhưng, đó chỉ là thắng lợi tạm thời, dễ gây ảo tưởng, bởi vì tàn quân Taliban chạy trốn và ẩn náu trong các cứ địa đặt trên lãnh thổ Pakistan và sau đó, tiến hành chiến tranh du kích, với các vụ khủng bố, tấn công bất ngờ, nhắm vào lực lượng Afghanistan và liên quân quốc tế.
Khi tiến hành chiến tranh tại Afghanistan, Mỹ chủ trương hai mục tiêu: dùng sức mạnh quân sự nghiền nát quân Taliban, đồng thời giúp Afghanistan xây dựng một đất nước “dân chủ và ổn định”, đấu tranh chống căn bệnh trầm kha là tham nhũng, phát triển kinh tế, bảo vệ nhân quyền.
Kết quả thu được là gì? Viện trợ quốc tế đã giúp xây dựng lại hệ thống giao thông, trường học, nhưng một phần quan trọng nguồn tiền mà Mỹ và quốc tế đổ vào đã nuôi dưỡng nạn tham nhũng, biển thủ và thậm chí rơi vào tay phiến quân.
Còn trên chiến trường, theo lời tướng Mỹ Daniel Bloger, thì Washington không ngừng tăng viện, “với hy vọng là mọi việc sẽ được cải thiện, nhưng vô ích”. Lúc cao điểm, Mỹ có tới 100.000 binh sĩ tại Afghanistan. Giờ đây, con số này chỉ là 11.000.
Tàn quân Taliban không thể quay lại nắm quyền, nhưng không hề có ý định từ bỏ cuộc chiến chống chính quyền Kabul.
Chuyên gia Vanda Felbab-Brown nhận định: “Taliban không có quyền hành như hồi năm 2001, nhưng chúng còn lâu mới chấp nhận thất bại”. Chính vì thế, mọi hy vọng giữ gìn an ninh, ổn định đất nước đều trông đợi vào quân đội Afghanistan, trong lúc lực lượng này đang phải đối mặt với tình trạng đào ngũ hàng loạt và kháng cự khó khăn chống lại các cuộc tấn công của Taliban.
Do vậy, đối với ông Carter Malkasian, đã từng làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ tại tỉnh Helmand (miền nam Afghanistan), “năm tới quân đội Afghanistan sẽ trải qua một trắc nghiệm lớn. Nếu quân đội thua, điều này báo hiệu là chiến tranh sẽ tiếp tục và quân Taliban sẽ tỏ ra ngày càng mạnh dạn hơn, bởi vì chúng không có lý do gì để đàm phán” với chính quyền Kabul.
Ngày 28/12 vừa qua, ngay khi Mỹ thông báo rút quân, phát ngôn viên của Taliban tuyên bố rằng 13 năm hoạt động của quân đội Mỹ và NATO tại Afghanistan là một thất bại “tuyệt đối”.
Nh.Thạch (tổng hợp)
Theo Petrotimes