|
Ảnh 1, 2: Nỗi đau tột cùng của thân nhân hành khách chuyến bay QZ8501 khi chứng kiến qua màn ảnh cảnh vớt thi thể - Ảnh: Reuters
Ảnh 3: Một chiếc vali được tàu cứu hộ vớt lên từ biển Java - Ảnh: Jefri Aries (nhà báo tự do Indonesia gửi riêng cho Tuổi Trẻ) |
Tối cùng ngày, Tổng thống Joko Widodo cũng đã có mặt thăm hỏi, chia sẻ nỗi đau với thân nhân hành khách của QZ8501 tại sân bay Surabaya. Ông vừa trở về từ khu vực tìm thấy thi thể nạn nhân. Tổng thống Widodo và chủ tịch AirAsia Tony Fernandes đã nhất trí sẽ dùng hết khả năng để kết thúc sớm quá trình tìm kiếm, cứu nạn.
Ông ra lệnh cho tất cả tàu thuyền quân sự, dân sự ngay lập tức đến khu vực phía tây đảo Borneo để hỗ trợ, tìm kiếm nạn nhân cũng như những gì còn lại của chiếc máy bay.
“Vết sẹo trong đời tôi”
Khoảng 19g35, ông Tony Fernandes chủ trì buổi họp báo thông tin thêm về tình hình tìm kiếm cứu nạn QZ8501. Trả lời phóng viên Tuổi Trẻ, ông Fernandes cho biết đây là khoảnh khắc kinh khủng nhất cho bản thân ông và AirAsia.
“Không có từ ngữ nào để diễn tả nổi cảm xúc của tôi lúc này, nhưng tôi biết mình phải vững vàng. Đây là một cơn ác mộng mà tôi, chủ của một hãng hàng không, không bao giờ dám nghĩ đến trong 13 năm qua khi đã phục vụ hàng triệu triệu hành khách” - ông Fernandes nói.
Ông nhấn mạnh sẽ nhận toàn bộ trách nhiệm về mình cho dù chưa biết chuyện gì đã xảy ra với chiếc máy bay. Ưu tiên hàng đầu của AirAsia là hỗ trợ người nhà của hành khách cũng như người thân của phi hành đoàn một cách tốt nhất.
Và chủ tịch AirAsia cam kết ngay cả sau khi sự cố này kết thúc ông vẫn sẽ giữ liên lạc với người nhà nạn nhân để đáp ứng những yêu cầu cần thiết của họ.
“Tôi ở đây, tôi không trốn chạy. Chúng tôi sẽ ở bên họ, tiếp tục hỗ trợ họ và hi vọng rằng nỗi đau đó sẽ được vơi đi. Đây sẽ là vết sẹo trong tôi mãi mãi không bao giờ mất đi” - chủ tịch AirAsia nói tiếp.
|
Nhân viên an ninh đưa một thân nhân của hành khách bị ngất xỉu sau khi nghe tin xấu - Ảnh: AFP |
Dốc toàn lực tìm kiếm
Ông Fernandes cho biết AirAsia sẽ cùng lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Indonesia nhanh chóng công bố kết luận về vụ tai nạn này đến người thân của nạn nhân trong tai nạn máy bay QZ8501, nhằm giúp họ vượt qua nỗi đau.
Tại buổi họp báo, ông Fernandes cho biết ông hi vọng sẽ kết thúc quá trình tìm kiếm trong ngày hôm nay (31/12) nếu thời tiết thuận lợi. Thân nhân của nạn nhân sẽ tiếp tục ở lại Surabaya cho đến khi chiến dịch tìm kiếm kết thúc. AirAsia cam kết hỗ trợ trước một phần tài chính cho họ dù cuộc điều tra vẫn chưa hoàn tất.
Cùng lúc, Tổng thống Indonesia Widodo nhấn mạnh trong đêm 30/12 các tàu chiến khác của Indonesia phải tiếp cận địa điểm này để sẵn sàng tiếp ứng cho đội tìm kiếm ngay sáng nay (31/12). Song ông cũng cho biết việc tìm kiếm nạn nhân và chiếc máy bay còn khá khó khăn do sóng ở khu vực này hiện rất lớn, cao đến 2-3m.
Tổng thống Indonesia ra lệnh đội tìm kiếm cứu nạn phải ưu tiên cứu hành khách trước rồi mới đến phi hành đoàn. “Tôi cảm ơn lực lượng cứu hộ Indonesia, các lực lượng cứu hộ của Singapore, Malaysia, Úc đã hỗ trợ công cuộc tìm kiếm này. Tôi cầu nguyện cho những nạn nhân chuyến bay. Mong người thân của họ vững vàng, vượt qua nỗi đau này” - Tổng thống Indonesia Widodo nói.
Hoàn toàn suy sụp
Buổi chiều, không khí nặng nề bao trùm khu chờ đợi dành cho thân nhân của hành khách đi trên chuyến bay QZ8501. Ngay khi truyền hình phát hình ảnh và tin tức lực lượng cứu hộ Indonesia đã nhìn thấy thi thể ba nạn nhân và mảnh vỡ của QZ8501, tiếng thét thất thanh của ai đó vang lên, tiếng khóc nức nở vang ra từ phòng nghỉ của thân nhân.
Thân nhân hành khách có người không còn trụ vững được đã đổ vật xuống ghế, có người đau đớn dập đầu mình vào tường, có người chỉ ngồi lặng yên nhìn màn hình đang trực tiếp từ hiện trường cứu hộ. Tất cả dường như suy sụp hoàn toàn.
Bảo vệ và nhân viên AirAsia vội lao về phía người nhà nạn nhân, ôm chặt và an ủi. Họ trân mình chịu đựng những tiếng gào thét, đấm đá liên tục vào người họ, bởi hơn ai hết họ thấu hiểu nỗi đau mất người thân của người nhà hành khách.
Bỗng đèn trong phòng nghỉ của thân nhân phụt tắt. Lực lượng bảo vệ hiện trường tạo thành hàng rào người đẩy lùi cánh phóng viên ra xa khu vực này. Những cánh cửa kính bắt đầu được che mờ từ bên trong. Người ta đang muốn bảo vệ những con người mong manh, đổ gục vì mất mát. Trời bắt đầu nổi cơn dông, mây đen vần vũ...
Cửa phòng bật mở, bốn người đàn ông với đồng phục đen đưa một phụ nữ mắt nhắm nghiền, mặt tái mét len lỏi qua đám đông nhà báo để sang phòng bên cạnh. Khoảng 3 phút sau, lại một người nữa được đưa ra khỏi phòng với tình trạng tương tự.
Một người đàn ông đi không vững, phải có hai người dìu bên cạnh, vừa lê bước ông vừa gục xuống, bỗng ông thét lên thảm thiết, dường như ông gọi tên người thân của mình và gục đầu khóc... Ngoài trời mưa càng nặng hạt...
Càng về chiều người thân của hành khách đến càng đông, họ đã nghe được tin xấu nên đến để cùng chia sẻ với những người đang chờ đợi trong nỗi đau tột cùng.
Đến hiện trường cầu nguyện cho con
Trước đó tại buổi họp báo sáng, trưởng đoàn bay AirAsia Dani Toligi cho biết họ đã thống nhất với thân nhân hành khách và phi hành đoàn sẽ tổ chức một chuyến bay bằng máy bay Airbus A320 đến nơi đang tìm kiếm, cứu nạn để họ tận mắt quá trình tìm kiếm cũng như cầu nguyện cho người thân của mình ngay tại hiện trường.
Trao đổi với PV Tuổi Trẻ sau đó, ông Gunawan Arkan - người mất bốn người thân là con trai, con dâu và hai cháu trên chuyến bay QZ8501 - cho biết ông đồng tình với quyết định trên của giới chức Indonesia. “Đó là một quyết định đầy tính nhân đạo, chúng tôi vẫn cầu nguyện cho gia đình con trai mình và những hành khách khác. Đến được nơi đó tuy không làm được gì nhưng lòng chúng tôi sẽ được thanh thản” - ông Arkan nói.
Hơn 21g, gặp lại tôi, ông Gunawan không muốn tôi chụp ảnh ông và nói: “Không biết gia đình con trai tôi có may mắn được mang vào đất liền không?”. Mọi người hôm nay tiếp tục cầu nguyện để còn được lần cuối chăm sóc thi thể người thân của mình. Ông Dani Toligi sau đó cho biết họ sẽ hủy chuyến bay này và tập trung để chăm sóc cho những thân nhân của hành khách trên chuyến bay xấu số.
Trời sau trận mưa dông vần vũ, mặt đất vẫn sũng nước. Những cơn gió lạnh cứ thỉnh thoảng thổi thốc vào khu lều bạt dành cho báo chí. Trong phòng cách ly kia điều gì có thể khiến thân nhân của hành khách, phi hành đoàn ấm áp hơn sau bao nhiêu là bất hạnh?
LÊ NAM (từ Surabaya, Indonesia)
Theo TTO