Căng thẳng Nga-phương Tây đang làm hại cho các nước đang phát triển
Điểm nhấn trong khủng hoảng của Nga là việc đồng rúp mất giá nghiêm trọng, các nguồn vốn bỏ chạy ra nước ngoài, đầu tư trong ngắn hạn sẽ bị sụt giảm, rồi các tập đoàn và công ty của Nga sẽ bị thiếu vốn vay do bị hạn chế tiếp cận ngân hàng phương Tây. Trong trường hợp này, các ngân hàng Pháp sẽ chịu thiệt nhiều nhất do có hiện diện rất lớn ở Nga, nhất là hai đại gia Société Générale và BNP Paribas.
Tại sao khủng hoảng Nga đe dọa các nước mới nổi? Chuyên gia kinh tế Laurence Daziano, nhà nghiên cứu Pháp, so sánh khủng hoảng của đồng rúp Nga hiện nay với các hệ quả tương tự như đồng peso Mexico năm 1994.
Ba nguồn gốc của khủng hoảng được giới chuyên gia nói đến nhiều là các trừng phạt của phương Tây, giá dầu sụt giảm và lương bổng công nhân viên gia tăng tại các quốc gia khối BRICS.
Điều mà chuyên gia Pháp nhấn mạnh là khủng hoảng tiền tệ của Nga có thể ảnh hưởng tiêu cực tới các nước đang nổi lên, đặc biệt qua hai con đường: thứ nhất là sự sụt giá của đồng tiền quốc gia tại các nước này, nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Mexico, và thứ hai là khu vực kinh tế tư nhân tại phần lớn các nước đang trỗi dậy sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ, do tín dụng tăng trưởng nhanh hơn GDP.
Ở hầu hết các nước mới nổi hàng đầu như Nga, Trung Quốc, Brazil…thì trong vòng 10 năm qua có mức nợ tư không ngừng tăng lên, thế nhưng trong bối cảnh hiện nay thì các nhà đầu tư tư nhân khó lòng tìm được vốn vay trong thời gian sắp tới, tức là sẽ xảy ra hiện tượng “thiếu nợ tư”.
Theo Laurence Daziano, nguy cơ khủng hoảng dây chuyền hiện nay là ít hơn so với năm 1994 hay 1998, do các nền kinh tế nói trên đã trở nên đa dạng hóa hơn và đặt biệt là họ có một nguồn dự trữ hối đoái khổng lồ ở mức 8.000 tỷ USD.
Chưa kể khi đồng rúp mất giá, người dân Nga sẽ ít đi du lịch hơn. Điều này làm cho các nước có nhiều du khách Nga bị thiệt hại.
Liên quan đến các nước châu Âu, giới phân tích cho rằng, khủng hoảng của Nga và những ảnh hưởng của nó buộc các nhà quyết định chính trị châu Âu phải nhanh chóng tìm ra với phía Nga một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraina.
Bởi vì tính từ đầu năm đến nay, trong khi kinh tế Mỹ có dấu hiệu tăng trưởng cao thì châu Âu lại ì ạch. Nếu tiếp tục duy trì các biện pháp cấm vận Nga cũng như phải chịu những đòn trả đũa từ Moskva, sự đoàn kết giữa các thành viên khối EU sẽ bị phá vỡ.
Nh.Thạch (tổng hợp)
Theo Petrotimes