Ngoại trưởng Phần Lan Erkki Tuomioja - Ảnh: Reuters
|
Itar Tass hôm nay 06/01 dẫn lời bình luận của Ngoại trưởng Phần Lan Erkki Tuomioja về lời kêu gọi lập tức dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang áp đặt lên Nga vừa qua của Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ông Tuomioja cho hay: “Việc áp đặt các lệnh trừng phạt không đơn thuần để “dằn mặt” Nga hay gây thiệt hại lâu dài lên nước này, mà nhằm dọn đường cho sự dàn xếp chính trị trong cuộc xung đột ở Ukraine”.
Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm 05/01 lên tiếng kêu gọi các nước phương Tây dừng việc đe dọa Nga bằng lệnh trừng phạt, nếu vẫn đang có tiến triển trong tiến trình hoà bình ở Ukraine, theo tờ New York Times. Ông Hollande nói thêm cuộc khủng hoảng ở nước Nga thực tế không đem lại lợi ích nào cho Liên minh châu Âu (EU).
"Tôi không đồng tình với chính sách làm cho mọi việc xấu đi để đạt được mục đích. Tôi nghĩ phải ngừng các lệnh trừng phạt ngay bây giờ", tờ New York Times dẫn lời Tổng thống Pháp nói trên đài phát thanh France Inter vào hôm qua 05/01.
Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm 05/01 kêu gọi các nước phương Tây dừng việc đe dọa Nga bằng lệnh trừng phạt - Ảnh: Reuters
|
Cũng theo ông Hollande, quan điểm của Moskva đang bị hiểu lầm. "Ông Putin không hề muốn thôn tính miền đông Ukraine, tôi chắc chắn điều đó, chính ông ấy nói với tôi như vậy", Tổng thống Pháp cho biết thêm.
"Những gì ông ấy muốn chỉ là duy trì sức ảnh hưởng của Nga và Ukraine sẽ không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ý tưởng của Putin là không để một quân đội nào hiện diện sát biên giới nước Nga", ông Hollande nói thêm.
Về phía Đức, quốc gia có tiếng nói lớn nhất trong vấn đề trừng phạt Nga, ông Sigmar Gabriel, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng, cũng thể hiện lo ngại về tác động của lệnh trừng phạt lên sự ổn định của nước Nga hôm 04/01. Lệnh trừng phạt "không bao giờ nhằm mục tiêu đẩy Nga rơi vào khủng hoảng kinh tế và chính trị", Itar Tass dẫn lời ông Gabriel nói trên tờ Bild am Sonntag.
Ông Gabriel cho hay Đức muốn giải quyết vấn đề Ukraine, chứ không muốn Nga phải bị khuất phục. Song đến nay, Đức vẫn là nước ủng hộ việc duy trì các lệnh trừng phạt này.
Như vậy tính đến hiện tại, nội bộ Liên minh châu Âu mới chỉ có Pháp là quốc gia phản ứng mạnh mẽ trước các lệnh trừng phạt mà EU đang áp đặt lên Nga, đối nghịch với quan điểm của nước Đức.
Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel và Phó thủ tướng Đức, ông Sigmar Gabriel - Ảnh: Reuters
|
Các nước khác trong EU được cho là miễn cưỡng thực hiện lệnh trừng phạt Nga như Hungary, Bulgaria và Slovakia trước đó cũng thể hiện mong muốn lệnh trừng phạt sẽ được gỡ bỏ để mối quan hệ giữa các nước bình thường trở lại.
Phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đầu tiên lên nước Nga vào tháng 03/2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea. Các nước phương Tây đã đóng băng tài sản và cấm thị thực của nhiều cá nhân cũng như cấm các công ty Nga hoạt động và huy động vốn từ thị trường EU.
Liên tiếp sau đó vào tháng 7 và tháng 9, phương Tây lại áp đặt thêm hai gói trừng phạt mới lên nước này với lí do Nga có liên quan đến các cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine. Ngoài các cá nhân và công ty, các ngành tài chính, năng lượng và quốc phòng của Nga đã bị ảnh hượng nặng nề.
Tính đến đầu tháng 09/2014, khoảng 420 công dân Nga và 143 công ty đã bị liệt vào danh sách trừng phạt của Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada, Úc, Nhật, Thuỵ Sĩ và Na Uy, theo Itar Tass.
Thu Thảo
Theo TNO