Nhiều chuyên gia kiến nghị không cho thanh toán nhân dân tệ trực tiếp ở VN - Ảnh: Reutres
Kiến nghị được Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây trong một văn bản tập hợp kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 11. Theo đó, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Trung Quốc (TQ) cho rằng nhu cầu giao dịch thanh toán bằng nhân dân tệ (NDT) tại VN là khá lớn và đang tăng lên rõ rệt. Tại thị trường biên mậu Việt - Trung, cuối năm 2013 ước tính kim ngạch thanh toán bằng NDT đạt khoảng 15 tỉ USD. Tuy nhiên, do phương thức lưu thông NDT chưa được pháp luật VN quy định, nên đa số giao dịch thanh toán biên mậu bằng NDT nói trên được thực hiện ở VN thông qua con đường không chính ngạch. Vì vậy, nếu thị trường thanh toán NDT từ biên giới được mở rộng đưa vào nội địa VN và được các ngân hàng thực hiện theo con đường chính ngạch, thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có thể quản lý nguồn vốn này hiệu quả, tăng cường thu thuế và công tác phòng chống rửa tiền.
Phía DN Trung Quốc cho rằng, nếu tiền thanh toán thương mại từ USD được thay bằng NDT thì đây chỉ là sự thay thế về đồng tiền thanh toán mà không ảnh hưởng gì đến xuất siêu hay nhập siêu. Kiến nghị này viện dẫn hiện đã có ngân hàng của VN thực hiện nghiệp vụ đổi NDT - VND nhưng chưa có ngân hàng TQ được thực hiện nghiệp vụ này, và mong muốn Chính phủ VN đồng ý cho Ngân hàng Công thương TQ thực hiện hợp tác nghiệp vụ NDT với ngân hàng thương mại VN.
|
|
|
NDT chưa phải là đồng thanh toán quốc tế, đây cũng không phải đồng tiền dự trữ. Nếu sử dụng NDT, chúng ta phải phụ thuộc rất lớn vào đối tác
|
|
|
Một quan chức ngân hàng VN
|
|
|
Doanh nghiệp Việt thiệt lớn
Ngay cả chính các DN đang làm ăn với đối tác TQ không mặn mà với đề xuất này. Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Vinamit - DN làm ăn lâu năm ở TQ, cho biết hầu hết các hợp đồng giữa VN với TQ đều giao dịch bằng ngoại tệ thứ 3 là USD. Nếu chuyển sang thanh toán bằng NDT thì DN sẽ thiệt thòi không nhỏ vì phải mất thêm 0,5% phí chuyển đổi từ đồng USD sang NDT. Với nhập siêu từ TQ năm 2014 lên gần 29 tỉ USD, khoản phí này là rất lớn. Thứ hai, VN không cho mở tín dụng thư bằng NDT, trong khi ở TQ chính sách quản lý USD rất chặt. Vì vậy, các NH địa phương của nước này không chấp nhận DN Việt mở tín dụng thư bằng USD mà phải chờ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chấp nhận, mới chuyển đổi sang NDT. Như vậy, các giao dịch tiền tệ chậm hơn, gây khó khăn cho DN. Đã nhiều lần, họ phải qua trung gian chuyển đổi đồng tiền ở Hồng Kông hay Singapore để đảm bảo tiến độ theo hợp đồng với đối tác.
Giám đốc một ngân hàng thương mại có mở L/C cho các DN trong nước giao thương với TQ cũng khẳng định, làm ăn với TQ thường thông qua ngoại tệ thứ 3 là quy đổi sang USD, giao dịch bằng NDT chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với các đồng tiền khác và chắc chắn không DN nào mặn mà với điều này.
VN sẽ phụ thuộc cả hàng hóa và tài chính
TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cho rằng đề xuất của phía TQ là dễ hiểu và không lạ trong tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng với nỗ lực quốc tế hóa NDT của họ. Nước này đã ký kết nhiều hiệp ước hoán đổi tiền tệ song phương với Nga, Brazil, Úc… Việc hoán đổi tiền tệ trực tiếp này sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư giữa TQ và các nước này, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng đồng tiền của hai bên trong hoạt động thương mại và đầu tư song phương. Nhưng động thái này cũng nhằm thúc đẩy các đối tác mua hàng xuất khẩu của TQ và nhận tín dụng bằng NDT. "Ở tầm quốc gia, đề xuất này không thể chấp nhận. Bởi trước đây TQ từng có đề nghị tương tự nhưng Bộ Công thương đã thẳng thừng từ chối", ông Phong nói.
TS Phong cho rằng, nếu chấp nhận việc thanh toán bằng NDT, kinh tế VN sẽ đối mặt 2 hệ lụy. Thứ nhất, cho đến nay, NDT chưa phải là ngoại tệ được tự do chuyển đổi trên thị trường quốc tế. Vì vậy, nắm giữ tiền này, DN sẽ chịu nhiều rủi ro. Nhưng điều ông lo ngại hơn là hiện nay VN đang nhập siêu rất lớn từ thị trường này. Nếu chỉ thanh toán bằng NDT, ở vị thế yếu hơn trong cán cân thương mại sẽ dẫn đến việc DN nội địa buộc phải vay của TQ. “Như vậy, chúng ta không những lệ thuộc vào hàng hóa mà còn về mặt tài chính”, ông nói. Hơn nữa, theo ông Phong, giao dịch biên mậu với TQ từng có lịch sử ách tắc hàng hóa do chính sách thắt chặt biên mậu hay chậm thông quan khiến DN trong nước phải đổ hàng đi và chịu nhiều thiệt hại.
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Trung tâm nghiên cứu chính sách và kinh tế (VEPR), khẳng định trên một đất nước chỉ giao dịch bằng một đồng tiền của chính đất nước đó. Không thể có chuyện, bán cái nhà 1 triệu NDT ở VN. Điều này là không được phép. "Trước đây có tình trạng đô la hóa, vàng hóa. Trong 2 - 3 năm qua, NHNN đã nỗ lực loại bỏ vàng, USD ra khỏi phương tiện thanh toán, thu hẹp phạm vi cấp tín dụng bằng đồng USD. Cho nên, đề nghị này của Hiệp hội DN TQ lại càng không thể chấp nhận".
Theo TS Thành, VN hiện đang chấp nhận thanh toán quốc tế qua một đồng tiền quốc tế chấp nhận như đồng USD và dự trữ bằng đồng tiền quốc tế. Một quan chức ngân hàng cũng khẳng định: “NDT chưa phải là đồng thanh toán quốc tế, đây cũng không phải đồng tiền dự trữ. Nếu sử dụng NDT, chúng ta phải phụ thuộc rất lớn vào đối tác”.
Cảnh báo về vấn đề này, vị quan chức NH trên cho rằng hiện VN vẫn đang trong tình trạng nhập siêu rất lớn từ TQ nên càng phải cẩn trọng trong việc sử dụng NDT. Nếu việc thanh toán trực tiếp như kiến nghị, đồng nghĩa với việc NDT sẽ thay thế đồng USD trong thanh toán giao dịch của VN. Khi đó, VND buộc phải phụ thuộc vào đồng NDT. Về lâu dài, điều này sẽ không tốt cho nền kinh tế.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cơ quan chức năng có liên quan cần xem xét lại toàn bộ việc thanh toán trong làm ăn với TQ hiện nay, trên nhiều phương diện khác nhau, không chỉ liên quan đền đề xuất sử dụng đồng NDT. Thực tế, sức mạnh và độ tin cậy của NDT trên thị trường quốc tế vẫn chưa được đánh giá cao và vẫn chưa là đồng vốn chính của các định chế tài chính lớn trên thế giới như WB, ADB, IMF… Vì vậy, phải kiên quyết bác bỏ đề xuất này và chỉ xem NDT chỉ là một trong những ngoại tệ khác trong thanh toán của các DN.
Theo số liệu của Bộ Công thương, tính đến tháng 11/2014, TQ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của VN với hơn 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Tại buổi tọa đàm về nhập siêu từ TQ do Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách, Đại học Kinh tế Hà Nội tổ chức ngày 19/12, Th.S Phạm Bích Ngọc, Viện Kinh tế VN, cho biết chỉ trong vòng một thập niên, nhập siêu từ TQ tăng gần 200 lần và chưa có xu hướng giảm, điều này thể hiện sự yếu kém của nền kinh tế VN.
|
Hồng Sương
Theo TNO