Các bên cùng có lợi
Cũng trong ngày 07/01, giới truyền thông Đài Loan dẫn nguồn tin cho biết, Mỹ chưa công bố kế hoạch bán tàu ngầm và máy bay chiến đấu thế hệ mới cho Đài Loan. Bởi Washington muốn duy trì trạng thái hiện nay nhằm đảm bảo lợi ích từ hoạt động thương mại với Bắc Kinh. Do đó, Đài Loan phải tìm cách tự chủ trong chương trình trang bị vũ khí chiến lược của mình nhằm đối phó có hiệu quả trong trường hợp bị Trung Quốc “động thủ”. Theo giới truyền thông Đài Loan, Trung Quốc đã tăng gấp đôi quân số cùng trang bị của các sư đoàn bộ binh cơ giới đổ bộ nhằm chuẩn bị cho các cuộc xung đột có thể xảy ra với Đài Loan và các nước tại Biển Đông.
Lễ thượng cờ của Đài Loan.
Ngày 06/01, tờ Mainichi Shimbun cho biết, Tokyo đã chính thức phản ứng trước động thái tập trận quy mô lớn trên biển Hoa Đông của quân đội Trung Quốc. Theo đó, Nhật Bản lên kế hoạch thành lập Trung đoàn đổ bộ chớp nhoáng trên biển (ARDB) thuộc Lực lượng phòng vệ trên bộ Nhật Bản. Được biết, ARDB được tổ chức theo mô hình Quân đoàn Thủy-Lục quân Mỹ. Theo thông báo trước đó của Bắc Kinh, hải quân Trung Quốc đã tiến hành tập trận quy mô lớn tại Tây Thái Bình Dương, khu vực Nhật Bản có nhiều mục tiêu quan trọng. Được biết, Tokyo đã triển khai các biện pháp tăng cường phòng thủ tại khu vực phía Tây nam nước này nhằm đáp trả trước việc tàu chiến Trung Quốc chạy vòng quanh Nhật Bản hồi tháng 12/2014 ở Tây Thái Bình Dương.
Theo giới truyền thông, ngân sách tài khóa 2015 được Chính phủ Nhật Bản chuẩn bị đệ trình dành tới 4.980 tỷ yen cho quốc phòng. Và nếu được thông qua, khoản ngân sách này sẽ tăng 2% so với tài khóa 2014, là năm thứ 3 tăng liên tiếp và là năm cao kỷ lục của Nhật Bản. Ngày 04/01, giới truyền thông Trung Quốc cho biết, quân đội Trung Quốc đã chính thức thành lập và công khai một địa chỉ website (weain.mil.cn) chuyên đăng tải thông tin chính thức về chính sách, thủ tục mua sắm, đấu thầu trang bị vũ khí của nước này.
Giới chuyên môn và dư luận quan tâm tới tiết lộ của Mỹ về kế hoạch và tham vọng quân sự của Trung Quốc trong năm 2015. Từ cuối tháng 12/2014, trang thông tin Aviation Week và Space Technology cho biết, để thay thế máy bay ném bom H-6 có từ thời Liên Xô, Trung Quốc đã hoàn thành việc chế tạo, thử nghiệm máy bay ném bom chiến lược tầm xa H-20 và sẽ hoàn thành mục tiêu này trước năm 2025. Mỹ cho rằng, ngân sách đầu tư cho quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2015 sẽ vượt con số 175 tỷ USD và Bắc Kinh sẽ phát triển hệ thống vũ khí tiên tiến như máy bay tàng hình J-31, máy bay vận tải tầm trung Y-20, nhập khẩu 24 máy bay chiến đấu Su-35, hệ thống tên lửa phòng không S-400...
Tìm cách hòa giải
Ngày 07/01, hãng Kyodo cho biết, 8 nghị sỹ Hàn Quốc thuộc Đảng Saenuri (Thế giới mới) cầm quyền và đảng đối lập đang tìm cách gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhân chuyến thăm Tokyo trong 3 ngày, từ 14 đến 16/01 nhằm cải thiện quan hệ song phương. Trước đó (05/01), hãng Kyodo dẫn tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki, theo đó Washington hy vọng Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tìm cách giải quyết những bất đồng về nhận thức lịch sử với các quốc gia láng giềng trong tuyên bố đánh dấu 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2. Được biết, Hàn-Trung vừa đối thoại về ngoại giao và an ninh, đồng thời tìm cách thúc đẩy hợp tác song phương trong các vấn đề khu vực và quốc tế đôi bên cùng quan tâm. Việc này diễn ra sau vòng đầu đàm phán giữa 2 nước mới diễn ra hồi tháng 12/2014 tại Bắc Kinh.
Ngày 05/01, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Doanh) đã kêu gọi Nhật Bản có những hành động cụ thể hướng tới giải quyết các tranh cãi còn tồn tại liên quan đến Chiến tranh thế giới thứ 2. Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi Nhật hoàng Akihito và Thủ tướng Shinzo Abe đã đề cập tới lễ kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc chiến tranh dự kiến được tổ chức vào mùa Hè năm nay khi phát biểu nhân dịp năm mới.
Trong khi đó hãng Kyodo cho biết (06/01), Nhật-Trung nhất trí nối lại đàm phán ngay trong tuần tới nhằm khởi động một cơ chế quản lý khủng hoảng hàng hải trong năm 2015. Dự kiến, tại cuộc đàm phán sắp tới 2 bên sẽ tìm cách ngăn ngừa nguy cơ xung đột ngoài ý muốn xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó (ngày 23 và 24/09/2014), tại thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, đã diễn ra đàm phán cấp cao về công tác trên biển giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Đây là cuộc đàm phán cấp cao giữa 2 nước sau 2 năm gián đoạn về vấn đề này.
Theo giới truyền thông, không quân Mỹ đã tháo dỡ công trình “Hang voi” tại căn cứ không quân Misawa ở tỉnh Aomori của Nhật Bản. Đây là hệ thống giám sát được Mỹ xây dựng từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, giới quân sự vẫn khuyến nghị: Trung Quốc phải hiểu Mỹ không bỏ rơi các căn cứ quân sự của họ được bố trí ở Nhật Bản - từ căn cứ Misawa, căn cứ Yokosuka, đến căn cứ Sasebo.
Theo trang CNS của Trung Quốc, ngày 06/01, Bắc Kinh bắt đầu diễn tập trái phép với nội dung điều tra tàu cá đánh bắt trái phép, cứu hộ và hỗ trợ khẩn cấp (kéo dài một tuần) tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt nam, với sự tham gia của lực lượng tuần tra bờ biển, cùng các đơn vị bán quân sự và kiểm ngư. Trước đó (05/01), Tân Hoa xã đưa tin, Trung Quốc đã điều một tàu tiếp tế lớn nhất, hiện đại nhất nước này tiếp tế cho nhiều đảo trên Biển Đông, trong đó có những đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. |
Tuấn Quỳnh (tổng hợp)
Theo Petrotimes