|
Người tiêu dùng Mỹ đang mở hầu bao mua sắm và được xem là động lực tốt cho kinh tế - Ảnh: AFP |
Nhiều thứ đang đứng trước rủi ro. Nếu không hành động, đầu tàu kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục mắc kẹt trong vũng nước cạn của sự tăng trưởng dưới trung bình và thị trường việc làm hẩm hiu |
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế CHRISTINE LAGARDE |
Trong hai ngày 9 và 10/02, các lãnh đạo kinh tế G-20 thảo luận về khả năng chống chịu của nền kinh tế Mỹ trong khi phần lớn kinh tế thế giới đang đi xuống. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh vấn đề nợ của Hi Lạp đang phủ bóng lên khu vực đồng tiền chung euro, giá dầu sụt giảm và đồng USD tăng giá ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi.
Giới phân tích lo ngại tình hình tạo ra vòng luẩn quẩn bắt đầu từ sụt giảm tăng trưởng khiến giới đầu tư chùn tay, kinh tế tiếp tục xói mòn và đầu tư biến mất.
Nói dễ
Lãnh đạo 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới năm ngoái đã thống nhất tung ra các biện pháp nhằm nâng tăng trưởng GDP chung lên 2% trong năm năm so với mục tiêu đề ra năm 2013. Có khoảng 1.000 cam kết đưa ra từ đó đến nay và cuộc họp tại Thổ Nhĩ Kỳ nhằm xác định những ưu tiên và cách thực hiện các cam kết trên.
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khẳng định nhóm G-20 cần phải chú trọng vào năng suất lao động và tính cạnh tranh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Nên đặt trọng tâm vào các cải cách nhằm phát triển kỹ năng và nguồn vốn tri thức. Các chính phủ cần cải thiện những chính sách về cạnh tranh và cải tiến nhằm mở đường cho các doanh nghiệp mới và tái phân phối vốn, lao động” - Reuters dẫn tuyên bố của OECD trước thềm cuộc họp.
Hôm qua, Bộ trưởng kinh tế Ý Pier Carlo Padoan cũng kêu gọi châu Âu cần có các biện pháp táo bạo hơn trong việc thúc đẩy đầu tư từ mảng tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực như hạ tầng.
Chủ tịch Ngân hàng UBS Axel Weber cho biết đầu tư từ mảng tư nhân có thể bù đắp 70-80 tỉ USD vào hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng.
Trong bài viết chung đăng trên Wall Street Journal, Bộ trưởng tài chính Mỹ Jack Lew và người đồng cấp Anh George Osborne nhấn mạnh các cải cách cốt lõi và chính sách tài chính, tiền tệ là nhân tố chính trong chiến lược tăng trưởng.
“Thông điệp của chúng tôi đến G-20 là: các chính phủ phải sử dụng toàn bộ công cụ mà họ có để hỗ trợ kinh tế và hiện thực hóa mục tiêu chung của G-20 về tăng trưởng toàn cầu cân bằng, bền vững và mạnh mẽ” - bài viết gửi gắm.
Tuy nhiên thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney lo ngại “những cải cách khó khăn nhất là cải cách vi mô có thể bị các liên minh chính trị chống đối và cái giá phải trả cho những cải cách này sẽ kéo dài rất lâu”. Ông cũng nhấn mạnh việc cải cách các quy định đối với ngành ngân hàng để tránh lặp lại sự sụp đổ hàng loạt ông lớn như từng xảy ra.
Làm mới khó
Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ali Babacan cho biết vấn đề chính là buộc các thành viên G-20 thực hiện các cam kết họ đã đưa ra. Tuy nhiên nói dễ hơn làm. Bộ trưởng Jack Lew tuần trước nhấn mạnh Washington không thể là động cơ duy nhất cho sự tăng trưởng toàn cầu.
“Kích hoạt tăng trưởng sẽ là trọng tâm. Dù Mỹ hiện đang gánh vác cả nền kinh tế toàn cầu nhưng điều này không bền vững” - bộ trưởng tài chính Canada thừa nhận.
Thứ trưởng kinh tế Trung Quốc Chu Quang Diệu kêu gọi G-20 cần phải hợp tác mạnh hơn bởi “chính sách tiền tệ không thể làm tất cả” và “khu vực đồng euro phải mạnh, đó là điều quan trọng. Chúng tôi hi vọng Hi Lạp và các nước EU sẽ sớm tìm ra giải pháp”.
Theo Reuters, các nước G-20 trước đây đồng lòng trong các gói cứu trợ suốt cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, nhưng các cơn bão tài chính đang thổi chính sách mỗi nước theo một hướng.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ dự kiến nâng lãi suất trong năm nay và một số ngân hàng trung ương châu Âu, Nhật Bản cũng sẽ noi gương Mỹ nới lỏng chính sách tiền tệ, trái ngược với làn sóng cắt giảm lãi suất trải dài từ Ấn Ðộ đến Úc và từ Canada sang Ðan Mạch.
Trung Quốc mới đây cũng tuyên bố cắt giảm dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng. Trong khi đó, Thụy Sĩ gây bão trên thị trường vào tháng trước khi bất ngờ bỏ tỉ giá trần đồng franc, vốn là “đồng tiền tránh bão” của giới đầu tư.
Reuters dẫn nguồn tài liệu của cuộc họp nhận định các lãnh đạo G-20 và các ngân hàng hôm nay (10/02) dự kiến thống nhất giảm số lượng các cam kết hành động trong năm nay, tập trung ưu tiên vào các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ nhất.
Một quan chức cho biết họ đã thống nhất “hạ bớt gần 1.000 cam kết xuống còn 5-10 cam kết cho mỗi quốc gia trong giai đoạn tạm thời này”. Một khi xác định được các ưu tiên, các lãnh đạo sẽ đưa ra kế hoạch cụ thể để triển khai hành động.