|
Xe tăng của quân đội Ukraine ở Debaltseve - Ảnh: stratfor.com |
Lực lượng ly khai đã chiếm được sân bay Donetsk vào cuối tháng 1 sau những giao tranh dữ dội với quân đội chính phủ, biến Debaltseve thành cột mốc chiến lược tiếp theo trong cuộc chiến.
Những lo ngại về việc quân nổi dậy có thể chiếm được thị trấn này là một phần lý do đã khiến Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande phải tới ngay Matxcơva trong tuần trước nhằm thương thảo một thỏa thuận ngừng bắn.
Thị trấn Debaltseve kiểm soát tuyến đường xe lửa huyết mạch chở than đá, nguyên liệu sống còn với ngành điện lực và sản xuất thép của Ukraine. |
Mất Debaltseve sẽ là một đòn nặng giáng vào nền kinh tế Ukraine vốn đã èo uột và lâm vào khủng hoảng vì chiến tranh. Thị trấn này cũng có thể giúp quân nổi dậy đưa vũ khí hạng nặng vào sâu trong nội địa Ukraine dễ dàng hơn.
Dmytro Kuleba, cố vấn cấp cao ở Bộ Ngoại giao Ukraine, đã so sánh tầm quan trọng chiến lược của thị trấn này với một trận đánh nổi tiếng của Liên Xô thời chống Đức Quốc xã hồi thế chiến thứ hai.
“Stalingrad có tính biểu tượng nhiều hơn, nhưng trận đánh bước ngoặt phải là trận Kursk”, Kuleba viết trên Twitter. “Ở đây cũng giống như thế với chúng tôi, sân bay (Donetsk) mang tính biểu tượng. Debaltseve là bước ngoặt”.
Các lực lượng Kiev đã chịu tổn thất hàng chục người mỗi ngày qua trong cuộc phòng thủ Debaltseve. Ở thị trấn Artemivsk cách đó 50 km do quân chính phủ kiểm soát, các bác sĩ nói với Financial Times rằng mỗi ngày họ tiếp nhận 30-50 binh sĩ bị thương.
Phát biểu với các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị an ninh Munich ngày 9-2, tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã mang theo hơn 10 hộ chiếu của người Nga để chứng minh rằng quân Nga đang chiến đấu ở đông Ukraine.
“Đây là hộ chiếu và các tài liệu của binh sĩ, sĩ quan Nga ở trong lãnh thổ chúng tôi và “đi lạc”… Đây là bằng chứng rõ ràng nhất về sự hiện diện của quân đội Nga, những kẻ đang tàn sát binh lính và dân thường Ukraine”, ông Poroshenko nói.
Trong một nỗ lực úy lạo tinh thần binh sĩ, ngày 9-2, chính phủ Ukraine đã tuyên bố tăng thêm 60 USD mỗi ngày tiền thưởng cho các binh sĩ đang tham chiến, và hàng nghìn USD nữa cho mỗi xe tăng, xe bọc thép hay tên lửa Grad của đối phương mà họ phá hủy được.
“Tinh thần chiến đấu đang xuống thấp”, một binh sĩ tình nguyện viên của Ukraine đang ở Artemivsk chỉ cho biết tên là Mikhail nói.
CNN gọi lính Ukraine là "lực lượng thân Mỹ"
Đài CNN hôm qua 09/02 khiến cộng đồng mạng một phen nhốn nháo khi gọi quân đội chính phủ Ukraine là "lực lượng thân Mỹ" trong một chương trình phát sóng.
|
CNN đưa lên dòng chữ tai hại "lực lượng thân Mỹ" - Ảnh chụp màn hình |
Đoạn tiêu đề được CNN chạy trong chương trình nói về cuộc nói chuyện giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel như sau: "Obama cân nhắc vũ trang cho lực lượng thân Mỹ".
Sự "vô ý" của đài CNN nhanh chóng được người xem để ý, rất nhiều người bắt đầu chia sẻ ảnh chụp màn hình trên các trang mạng xã hội.
Trong vô số bình luận, có luồng ý kiến nói CNN đã vô tình "làm rơi chiếc mặt nạ", làm bật ra bản chất thật của cuộc xung đột tại Ukraine. Một ý kiến khác lại ghi: "thứ ngu ngốc nhất tôi được xem trong ngày".
Cụm từ "lực lượng thân Mỹ" nổi bật do nó tương phản với cụm từ "lực lượng nổi dậy thân Nga" mà phương Tây hay dùng. NATO và Mỹ liên tục chỉ trích Nga hỗ trợ lực lượng nổi dậy miền đông Ukraine ngay từ đầu cuộc chiến.
Tuần trước, Stephen Cohen, giáo sư danh dự về Nga học và chính trị của Đại học New York và Đại học Princeton, gọi xung đột Ukraine là "một cuộc chiến tranh ủy nhiệm" giữa Nga và khối NATO do Mỹ dẫn đầu.
"Tranh chấp chính trị ở Ukraine đã trở thành một cuộc nội chiến. Nga ủng hộ một bên; Mỹ và NATO bên còn lại. Vì vậy, nó không chỉ là một cuộc chiến tranh lạnh mới, đó là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm ", ông Cohen nói với trang Russia Insider.
MINH TRUNG
|