Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông với Nhật Bản và Hàn Quốc; đồng thời ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với 90% Biển Đông. Giáo sư Andrew Erickson, thuộc bộ phận nghiên cứu chiến lược Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ cho rằng, mục tiêu của Trung Quốc là muốn tạo ra một “vùng ngoại lệ” để lợi ích và quyền hạn của Bắc Kinh dễ dàng được các nước hữu quan chấp thuận. Còn theo tổ chức nghiên cứu độc lập Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), trong số 5 kịch bản tồi tệ nhất cho châu Á trong năm 2015, xung đột vũ trang tại Biển Đông có nhiều khả năng xảy ra.
Cần tăng chi tiêu quân sự
Tuyên bố hôm 22/12 của Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Martin Demsey khiến dư luận quan tâm khi ông nhấn mạnh, việc phân bổ ngân sách quốc phòng của Mỹ phải phù hợp với những mục đích quân sự và chính sách đối ngoại của Washington. Và quân đội Mỹ không thể thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn trước bối cảnh ngân sách bị cắt giảm. Bởi ông Martin Dempsey cho rằng, việc thu nhỏ ngân sách sẽ khiến Mỹ mất đi lợi thế trước các đối thủ tiềm năng, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc và Nga đều đang tăng mạnh chi tiêu quân sự. Ngân sách quốc phòng Mỹ đã giảm từ mức kỷ lục 700 tỉ USD trong năm 2010, xuống gần 600 tỉ USD như hiện nay. Tuy chỉ trích mức ngân sách 585 tỉ USD giành cho quân đội không được như kỳ vọng, nhưng Tướng Martin Dempsey vẫn ca ngợi việc Quốc hội Mỹ đã thông qua vấn đề này.
Tàu đệm khí lớp Zubr
Trong khi đó, tờ Giải phóng quân Trung Quốc vừa xếp 2 máy bay J-31 và Y-20 (chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5) do Bắc Kinh chế tạo vào danh sách 10 loại vũ khí nổi tiếng nhất thế giới trong năm 2014. Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản cũng nằm trong danh sách 10 loại vũ khí kể trên và bị coi là một trong những mối đe dọa đối với “an ninh quốc gia Trung Quốc”.
Theo trang mạng quân sự Strategy Page của Mỹ, Bắc Kinh có kế hoạch đưa 4 tàu đệm khí lớp Zubr gia nhập Hải quân Trung Quốc trong năm 2015, nhưng chỉ 2 trong số 4 chiếc đi vào hoạt động. Việc biên chế 4 tàu đệm khí lớp Zubr có thể khiến Đài Loan và các nước đang có tranh chấp với Trung Quốc ở biển Hoa Đông quan ngại.
Ngày 16/12, mạng The National Interest (Mỹ) đăng bài “Giấc mơ thực sự của Trung Quốc: Kiểm soát Biển Đông?”, theo đó Trung Quốc quyết không từ bỏ cái gọi là “lợi ích chính đáng”, càng không thể hy sinh “lợi ích cốt lõi quốc gia”. Nhưng chính quyết tâm thúc đẩy yêu sách chủ quyền và mở rộng quyền kiểm soát ở Biển Đông một cách phi lý của Trung Quốc là nguyên nhân quan trọng hàng đầu gây ra bất ổn tình hình tại Biển Đông. Bắc Kinh không hài lòng với hiện trạng ở Biển Đông và đang tích lũy năng lực để từng bước làm thay đổi hiện trạng theo hướng có lợi cho họ. Một số chuyên gia gọi cách làm của Trung Quốc là “chiến lược đe dọa kiểu may áo theo khổ người”.
Những nguy cơ tiềm ẩn
Ngày 23/12, Philippines cho biết sẽ điều tra thông tin nói rằng, Trung Quốc đang xây dựng một mạng lưới quan trắc ngoài khơi, trong đó gồm các trạm vệ tinh và radar nhằm tăng cường sức mạnh hải quân. Người phát ngôn của Tổng thống Philippines cho biết, Bộ Ngoại giao nước này sẽ xác minh và đưa ra bất cứ tuyên bố nào về tin tức nói trên; và Manila sẽ thực hiện những bước cần thiết để bảo đảm lợi ích và tránh leo thang căng thẳng với Trung Quốc.
Theo giới truyền thông, Đài Loan đang có kế hoạch xây hải đăng trái phép trên đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và thời điểm khởi công dự kiến sớm nhất vào tháng 07/2015. Việc thiết kế và thi công do Công ty Tư vấn Kỹ thuật Đài Loan CECI phụ trách.
Tàu hộ vệ hạng nhẹ tàng hình lớp Đà Giang, Đài Loan
Ngày 23/12, Đài Loan đã hạ thủy tàu tuần tra tên lửa tàng hình Đà Giang (tàu tuần tra tên lửa tàng hình tự chế đầu tiên), trong bối cảnh Đài Bắc đang hiện đại hóa các lực lượng vũ trang nhằm đối phó với sự đe dọa từ Bắc Kinh. Đồng thời diễn ra sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cho phép Tổng thống Barack Obama bán 4 tàu hộ vệ lớp Perry (USS Taylor, USS Carr, USS Gary và USS Elrod) cho Đài Loan. Ngày 19/12, Tổng thống Mỹ đã ký “Dự luật chuyển giao tàu chiến” số 1683, chính thức đồng ý bán 4 tàu hộ vệ lớp Perry cho Đài Loan.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Ed Royce cho rằng, hành động này của Tổng thống Barack Obama sẽ cải thiện an ninh biển của Đài Loan, thúc đẩy quan hệ Mỹ - Đài. Trước đó, Đài Loan đã hạ thủy thành công tàu tuần tra lớp 1.000 tấn CG131-Miêu Lật. CG131 là chiếc đầu tiên trong số 4 tàu tuần tra lớp 1.000 tấn của Cảnh sát biển Đài Loan đặt đóng để đối phó với nguy cơ từ Trung Quốc. Giới truyền thông Đài Loan tiết lộ, Đài Loan vừa mua, vừa tìm cách tự chế tạo tàu ngầm (25 tỉ Đài tệ/chiếc) để tránh phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ.
Ngày 22/12, tờ Giải phóng quân Trung Quốc đưa tin, sáng 22/12, tại quân cảng ở Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang, Hạm đội Đông Hải đã tổ chức lễ bàn giao tàu chiến Tế Nam (thế hệ thứ ba, được gọi là tàu Aegis Trung Hoa), đánh dấu một tàu khu trục tên lửa mới chính thức gia nhập hàng ngũ chiến đấu. Đây là tàu Aegis Trung Hoa Type 052C thứ 5 của Hải quân Trung Quốc. Trước đó, tờ New Outlook cho biết, một tàu có lượng giãn nước 10.000 tấn sẽ gia nhập lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc trong năm 2015 và đây sẽ là tàu tuần tra lớn nhất thế giới khi nó được đưa vào sử dụng.
“Người anh lớn” ở Đông Nam Á
Ngày 23/12, tờ The Diplomat dẫn lời Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Indonesia, tướng Moeldoko khi phát biểu trước cuộc họp với các tướng lĩnh hàng đầu Indonesia hôm 22/12 rằng, Jakarta muốn đóng một vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy trật tự tại châu Á. Tướng Moeldoko cho biết, ông đã sử dụng quyền lực và ảnh hưởng trong các diễn đàn khác nhau của khu vực như Hội nghị Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang ASEAN (ACDFIM) để thúc đẩy mục tiêu biến Indonesia trở thành “người anh lớn” ở Đông Nam Á.
Cách đây mấy tháng (tháng 03/2014), khi phát biểu với tờ The Straits Times của Singapore, ông Moeldoko đã đề xuất mở rộng ACDFIM thành cơ chế ACDFIM + để thu hút các đối tác chủ chốt như Mỹ, Trung Quốc nhằm quản lý tốt hơn căng thẳng tại Châu Á - Thái Bình Dương. Hơn 1 tháng trước (12/11), tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) ở Naypyitaw, Myanmar, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã trình bày học thuyết biển của nước này, theo đó Indonesia sẽ là bản lề kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, thậm chí nằm ở vị trí trung tâm kết nối đại dương.
Giới phân tích từng cảnh báo, những nỗ lực để trở thành “cường quốc biển” của Trung Quốc đã thúc đẩy các quốc gia châu Á tăng cường sức mạnh trên biển. Giới truyền thông cho rằng, bất chấp nguy cơ “chọc giận” Trung Quốc, Australia và Ấn Độ, 2 nhân tố mới nổi quan trọng trên bàn cờ chính trị Châu Á - Thái Bình Dương đã bắt tay với Mỹ và Nhật Bản, mở ra triển vọng tái khởi động “Đối thoại an ninh tay tư” (QSD) giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.
Tối 21/12, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry, trong đó có đề cập tới quan hệ Trung - Mỹ. Ông Vương Nghị cho rằng, cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama hồi tháng trước đã đạt được những kết quả quan trọng và thiết thực, tạo động lực mới cho việc xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới giữa hai nước. Do đó, Ngoại trưởng Trung Quốc hy vọng hai bên có thể sớm hiện thực hóa sự đồng thuận đã đạt được, tăng cường trao đổi, điều phối và hợp tác, cũng như tôn trọng lợi ích cốt lõi của mỗi nước cùng các mối quan tâm chung nhằm đạt được những bước phát triển hơn nữa trong quan hệ song phương.
Ngày 23/12, Nhà Trắng đã phản hồi về bản kiến nghị Mỹ trừng phạt Trung Quốc vì hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, sau khi kiến nghị này đạt gần 140.000 chữ ký. Theo đó, Mỹ từng bày tỏ lo ngại về hành động của Trung Quốc, trong đó có việc triển khai giàn khoan Hải Dương 981, với các nhà lãnh đạo Trung Quốc ở cấp cao nhất. Bản kiến nghị do một người có tên là T.D ở San Diego, California đưa lên trang web của Nhà Trắng (ngày 13/05/2014) nhằm kêu gọi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc vì xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam bằng việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.
Bản kiến nghị hoạt động theo chương trình “We the People” (Chúng tôi là người dân) trên trang web của Nhà Trắng. Mỹ là quốc gia đầu tiên bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng trên Biển Đông ở nhiều cấp và được lặp lại nhiều lần. Mỹ tuyên bố có lợi ích quốc gia tại Biển Đông, bao gồm tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế và thương mại hợp pháp không bị cản trở.
Tuy không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Mỹ có lập trường liên quan tới việc các tranh chấp này được theo đuổi và giải quyết như thế nào, và liệu các tuyên bố hàng hải của một quốc gia ven biển có phù hợp luật pháp quốc tế hay không. Nhà Trắng cho biết, từ lâu Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc và các bên liên quan theo đuổi các tuyên bố chủ quyền và các quyền lợi đi kèm đối với không gian hàng hải một cách hòa bình, không dùng tới ép buộc và phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
|
Hồng Thất Công
Theo Petrotimes