Pháp cấm nữ sinh Hồi giáo không được đội khăn choàng.
Hai ngày sau vụ thảm sát tòa soạn báo Charlie Hebdo ngay giữa thủ đô Paris, các thủ phạm chính vẫn bắt vô âm tín. Điều duy nhất mà cảnh sát, truyền thông và dư luận Pháp biết về chúng là những phần tử Hồi giáo quá khích.
Ngày 09/01, Văn phòng Công tố Pháp cho hay ít nhất ba nhà thờ Hồi giáo đã bị những đối tượng chưa rõ tấn công, nhưng kết quả là không có thương vong. Trong khi đó, vào sáng 09/01, một đối tượng đã nổ súng tại vùng ngoại ô thủ đô Pháp, giết chết một nữ nhân viên cảnh sát, còn thêm một người đàn ông bị thương.
Theo các nhà quan sát, các vụ việc trên rất có thể là hành vi trả đũa vụ thảm sát tòa báo Charlie Hebdo khiến 12 người chết. Với vòng xoáy bạo động giữa các thành phần quá khích từ cả hai phía như đã được khởi động, giới phân tích đang rất lo ngại về nguy cơ cộng đồng người Hồi giáo tại Pháp nói riêng, và tại châu Âu nói chung, trở thành nạn nhân của những vụ bạo hành và kỳ thị, trong bối cảnh các hành vi tàn ác dã man của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Trung Đông đang gây phẫn uất trong dư luận phương Tây.
Theo Marc Pierini, cựu Đại sứ Pháp, đồng thời là một nhà ngoại giao của EU: “Điều đáng lo ngại là vụ thảm sát như vậy ngay tại trung tâm Paris, sẽ kích động thêm tâm lý bài ngoại và bài Hồi giáo”. Trên trang Facebook của mình, ông Luciano Rispoli, một nhà ngoại giao Pháp công tác tại Baghdad cũng lưu ý: “Ở đâu cũng có những kẻ điên. Do đó không nên lầm kẻ thù, và lẫn lộn giữa đức tin và sự cuồng tín, giữa lòng ngoan đạo và thái độ sùng đạo cực đoan”.
Nỗi lo ngại đặc biệt mạnh mẽ tại Pháp, nơi cộng đồng Hồi giáo lớn nhất nhì châu Âu, trong lúc Nhà nước Pháp lại rất tích cực trong cuộc chiến chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan ở châu Phi, cũng như lực lượng thánh chiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria.
Trong một vài năm gần đây, tâm lý bài Hồi giáo đã có dấu hiệu được tăng cường tại Pháp, thể hiện qua hai thực tế: Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia ngày càng có thêm nhiều kết quả tốt trong các cuộc bầu cử, và một số nhân vật nổi tiếng không ngần ngại công khai thể hiện quan điểm bài Hồi giáo, như nhà bình luận Eric Zemmour, tác giả môt quyển sách ăn khách tố cáo nạn nhập cư là một trong những nguyên do gây bất hạnh cho nước Pháp.
Căng thẳng cũng sẽ trầm trọng thêm tại Đức, nơi cũng có một cộng đồng Hồi giáo đông đảo-chủ yếu là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Tình trạng căng thẳng đã bắt đầu gia tăng rõ nét với sự vươn lên của phong trào chống “Hồi giáo hóa” Pegida, phát sinh từ thành phố Đông Đức Dresden. Vụ thảm sát tại Paris được cho là sẽ thêm củi lửa cho phong trào bài Hồi giáo này.
Ông Marc Pierini tỏ vẻ bi quan: “Chúng ta đang ở trong một cái vòng luẩn quẩn…” vì vụ khủng bố ở Paris và các cuộc biểu tình bài Hồi giáo ở Đức “sẽ nuôi dưỡng lẫn nhau”.
Nh.Thạch (tổng hợp)
Theo Petrotimes