3 năm trước (2002-2015) ngân sách quốc phòng Nhật Bản đạt mức kỷ lục 42,2 tỉ USD. Trước đó (11/01), Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nhấn mạnh, tình hình xung quanh Nhật Bản đang biến động và mức chi tiêu quốc phòng kể trên nhằm bảo vệ vùng trời, vùng biển và lãnh thổ của Nhật Bản, cũng như bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Ngày 14/01, tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ Nhật Bản sau khi Tokyo công bố ngân sách quân sự thường niên lớn chưa từng có. Đây là ngân sách quốc phòng lớn nhất của Nhật Bản trong hơn 10 năm qua.
Chỉ tăng không giảm
Cũng trong ngày 13/01, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani thông báo, Tokyo và Bắc Kinh đã nhất trí sớm thực thi cơ chế kiểm soát khủng hoảng trên biển và trên không nhằm ngăn ngừa các cuộc đụng độ xung quanh các đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông. Và đây là một bước đi lớn khi nguy cơ xảy ra các sự cố trên biển, lẫn trên không ở vùng biển Hoa Đông ngày càng tăng. Giới quân sự cho rằng, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản sẽ tăng khoảng 0,8%/năm cho đến năm 2018.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye
2 tháng trước (16/11/2014), Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Barack Obama từng nhất trí tăng cường quan hệ an ninh hướng tới ổn định ở Châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời cam kết lập nhóm công tác chung để sửa đổi định hướng hợp tác quốc phòng song phương. Washington và Tokyo gia tăng phối hợp để đối phó với sự gia tăng bành trướng của Bắc Kinh. Theo giới truyền thông, từ tháng 12/2014, Mỹ bắt đầu điều 6 máy bay chống ngầm P-8 Poseidon đến căn cứ Kadena ở Okinawa, Nhật Bản bởi nơi đây án ngữ một phần biển Hoa Đông và cũng là nơi Washington có căn cứ gần nhất ra Biển Đông. Chuẩn đô đốc Phillip Sawyer, chỉ huy hạm đội tàu ngầm Mỹ ở Thái Bình Dương cho biết, tàu ngầm của họ hiện hoạt động trong khu vực này nhiều hơn thời Chiến tranh Lạnh.
Ngày 10/1, giới truyền thông Nhật Bản đưa tin, tháng 4 tới, Chính phủ Nhật Bản sẽ đệ trình lên Quốc hội Luật bảo đảm an ninh để mở rộng phạm vi hoạt động của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Ngày 11/01, khi trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Hoàn Cầu, giáo sư người Trung Quốc Lưu Cương tại Đại học Okinawa Nhật Bản cho rằng, đặc điểm nổi bật nhất của Luật bảo đảm an ninh là giúp Nhật Bản có thể danh chính ngôn thuận điều lực lượng quân sự tới can dự ở các khu vực như Biển Đông, Ấn Độ Dương, kiềm chế Trung Quốc. Cùng ngày 11/01, tờ The Financial Times bình luận, Nhật Bản đang đẩy mạnh cuộc tấn công quyến rũ nhằm vào Đông Nam Á để làm đối trọng với Trung Quốc tại khu vực này. Trước đó (09/01), khi bình luận trên tờ The National Interest, học giả Richard Javad Heydarian cho rằng, Philippines là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á không coi Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của mình.
Ngày 08/01, tờ Rappler cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ hoàn thành việc xây dựng trái phép sân bay quân sự thứ hai tại Biển Đông vào cuối năm 2015. Trước đó, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Gregorio Catapang Jr tiết lộ, Bắc Kinh đã đi được nửa đường trong kế hoạch cải tạo bãi đá Chữ Thập thành một hòn đảo. Và việc này sẽ giúp Bắc Kinh tăng cường tuyên bố chủ quyền phi pháp, cải thiện khả năng quân sự trước các đối thủ trong tranh chấp Biển Đông.
Theo cố vấn cấp cao các vấn đề châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Bonnie Glaser, nếu Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu ở Biển Đông, phản ứng của các nước trong khu vực sẽ rất tiêu cực. Trước đó (01/01), tờ Nhật báo Trung Quốc đăng phỏng vấn Đại sứ Mỹ tại ASEAN Nina Hachigian và bà cho rằng, Trung Quốc độc đoán trong vấn đề Biển Đông. Trong khi đó tờ The Diplomat cho rằng, có 4 vấn đề lớn khiến Bắc Kinh phải giải quyết trong chính sách đối ngoại năm 2015, trong đó tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông với các quốc gia láng giềng là chủ đề “nóng” nhất. Trước đó (05/01), mạng quân sự sina.com của Trung Quốc đăng bài “Trung Quốc sẽ xây dựng biên đội tàu sân bay thế nào để triển khai ở Biển Đông, cắt đứt tuyến vận tải của Nhật Bản”.
Tìm cách để hòa đàm
Ngày 13/01, Hãng Kyodo dẫn phát biểu của Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, Tokyo kêu gọi Seoul tham gia một hội nghị cấp cao giữa hai nước mà không đưa ra điều kiện tiên quyết. Cùng ngày 13/01, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nêu rõ, Nhật Bản luôn coi Hàn Quốc là láng giềng quan trọng nhất và hy vọng tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị vì một tương lai tốt đẹp và phồn vinh của 2 bên.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe
Trước đó (12/01), trong cuộc họp báo tại Seoul nhân dịp năm mới, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tuyên bố, sẵn sàng gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nhưng khẳng định cần có một môi trường để đảm bảo cuộc gặp này sẽ thành công và có ý nghĩa. Bà Park Geun-hye hy vọng, năm nay sẽ là bước khởi đầu cho mối quan hệ với Nhật Bản vì 2 nước sẽ kỷ niệm 50 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Hơn 1 tháng trước (08/12/2014), khi phát biểu tại hội nghị Chính sách thế giới lần thứ 7 tổ chức tại Seoul, bà Park Geun-hye tuyên bố, Seoul đang nỗ lực để sớm tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh với Nhật Bản và Trung Quốc, nhằm tạo lập một khuôn khổ lòng tin ở Đông Á, khu vực vốn bị ảnh hưởng bởi các vụ va chạm giữa các nước láng giềng.
Cũng trong ngày 12/1, Hãng Yonhap cho biết, Hàn Quốc và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận mới về hạn ngạch đánh bắt cá trong vùng đặc quyền của nhau trong 18 tháng tới. Trước đó (29/12/2014), tại thủ đô Seoul, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki và Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae-yong đã thảo luận về các vấn đề song phương và khu vực mà 2 bên cùng quan tâm. Hãng Kyodo cho biết (12/01), quan chức Nhật Bản và Trung Quốc đã nối lại các cuộc đàm phán về việc khởi động cơ chế kiểm soát khủng hoảng hàng hải trước cuối năm 2015. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng nhấn mạnh, Tokyo hy vọng xây dựng các mối quan hệ với Bắc Kinh dựa trên sự tin tưởng và tăng cường hiểu biết chung, nhằm làm dịu căng thẳng liên quan tới chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Gia tăng khả năng can thiệp
Ngày 12/01, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, Nhật Bản phải có nhận thức sâu sắc về lịch sử xâm lược. Trung Quốc chỉ trích Tokyo vì tuyên bố ủng hộ Thủ tướng Shinzo Abe có thể thường xuyên đến thăm đền Yasukuni. Gần 2 tháng trước (27/11/2014), người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh từng nhấn mạnh: Trung - Nhật đã đạt được “nhận thức 4 điểm”, do đó Bắc Kinh hối thúc Tokyo tuân thủ cam kết, xử lý thỏa đáng các vấn đề nhạy cảm. Cũng trong ngày 12/01, Trung Quốc đã lần đầu tiên chỉ trích tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản sau khi ông Gen Nakatani cho rằng, Bắc Kinh liên tục gây ra “các hành động nguy hiểm” ở biển Hoa Đông. Trước đó, ông Gen Nakatani đã cáo buộc tàu thuyền Trung Quốc vi phạm lãnh hải Nhật Bản ở biển Hoa Đông, ngoài ra Bắc Kinh còn chĩa radar ngắm bắn vào tàu thuyền Nhật Bản, thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông và điều máy bay chiến đấu lại gần bất thường máy bay Nhật Bản...
Mỹ - Nhật diễn tập quân sự liên hợp trên biển
Trước đó (10/01), tờ Nhân dân nhật báo cho biết, Viện Nghiên cứu “Con đường tơ lụa” được thành lập tại trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh. Việc này xuất phát từ đặc điểm cũng như vị thế của trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh: “Đặc sắc nhiều thứ tiếng”; “Ưu thế xuyên văn hóa”; “Liên kết 3 nhà: nhà sản xuất, nhà trường và nhà nghiên cứu”; “Nhịp cầu ra nước ngoài”, dốc sức cùng xây dựng “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa” và chiến lược “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”… “Trung Quốc sẽ không theo con đường thực dân phương Tây ở châu Phi” là tuyên bố của Ngoại trưởng Vương Nghị khi ông đến thăm Kenya và được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 11/01. Theo Hãng Reuters, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi và đang tìm cách khai thác nguồn tài nguyên tại đây nhằm thỏa mãn cơn khát tài nguyên của Bắc Kinh và việc này khiến nhiều lãnh đạo châu Phi cho rằng: Trung Quốc đang tiến hành chính sách “thực dân kiểu mới” tại đây.
Còn theo tờ Giải phóng quân, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu các chỉ huy quân sự và sĩ quan phụ trách về giáo dục chính trị cấp cơ sở thay đổi vị trí cho nhau và Bắc Kinh sẽ cải tổ đội ngũ chỉ huy trong quân đội. Ngày 14/01, tờ South China Morning Post cho biết, Trung Quốc vừa có thêm 73 thiếu tướng đến từ quân khu Lan Châu, quân khu Tế Nam, quân khu Bắc Kinh, Tên lửa chiến lược, Tổng cục trang bị, Cảnh sát vũ trang, Không quân và Hải quân.
Ngày 12/01, mạng tin Inquirer.net dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Philippines (DFA), theo đó DFA vừa ra mắt cuốn sách kỹ thuật số để giúp người dân nước này hiểu về sự tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc. Cuốn sách có tựa đề “Ang West Philippine Sea: Isang Sipat” sẽ được phát cho tất cả cán bộ ngoại giao Philippines ở nước ngoài và các cơ quan lãnh sự của Bộ Ngoại giao ở trong nước. Bộ Ngoại giao có kế hoạch đưa cuốn sách này vào chương trình giảng dạy ở nhà trường như một phần nỗ lực của Manila nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về vấn đề này.
|
Hồng Thất Công
Theo Petrotimes