|
Nước mắt của người dân Paris trong ngày tưởng niệm nạn nhân ở cửa ô Vincennes - Ảnh: Reuters |
Thật vậy, cho tới nay khủng bố vẫn chỉ là giấu mặt, rình rập chờ thời cơ. Từ vụ khổng lồ 11/09 ở Mỹ đến những vụ nổ bom có quy mô nhỏ hơn đều là chuyện ra tay một cách không đối đầu trực tiếp với lực lượng an ninh các nước mục tiêu.
Nay với hai vụ tấn công vũ trang ở tòa soạn báo Charlie Hebdo, nơi biết chắc có cảnh sát bảo vệ và vụ bắn hai cảnh sát viên ở Montrouge, các phần tử khủng bố này đã ra khỏi lằn ranh ẩn náu hoạt động bí mật để chường mặt ra tấn công vũ trang công khai và trực diện đối đầu trực tiếp với các lực lượng bảo vệ luật pháp.
Đây chính là nguy cơ mới, một bước leo thang không chỉ táo tợn hơn mà là một hình thái hoàn toàn mới: chấm dứt kiểu đánh rình rập, thay vào đó là công khai tấn công với những phần tử được huấn luyện và vũ trang đầy đủ. Từ nay, khủng bố không chỉ là “coi chừng có bom” nữa mà sẽ còn là “coi chừng chúng nổ súng”...!
|
Người dân Pháp đặt hoa dưới chân một bức tượng điêu khắc ở Caen trong cuộc biểu tình phản đối khủng bố khắp nước Pháp hôm qua - Ảnh: AFP |
Đây là kết quả mong muốn của những chương trình huấn luyện mà theo lời một trong hai hung thủ vụ thảm sát tòa soạn Charlie Hebdo là Cherif Kouachi kể với Đài BFMTV của Pháp trong khi đang cố thủ trong xưởng in ở Dammartin: y cho biết đã học các kỹ năng chiến đấu đó ở Yemen vào năm 2011. Các tổ chức khủng bố quốc tế đã huấn luyện chúng trở thành những “binh sĩ tác chiến” phục vụ cuộc “thánh chiến”, chứ không đơn thuần là những lớp “bỏ túi” dạy lắp ráp vài quả bom tự tạo rồi các mẹo đem bom đi đặt ở đây, ở kia và cho phát nổ!
Nay khủng bố đem chiến tranh đến ngay trong đất nước của “kẻ thù”, và các chính quyền sở tại. Mỗi một giờ tại địa điểm mà bọn khủng bố cố thủ và cầm giữ con tin chính là mỗi một giờ chính phủ sở tại mất quyền kiểm soát ở đó, là chiến tranh đang diễn ra tại đó, cho dù chỉ trong khuôn khổ của xưởng in, một siêu thị, một khu phố...! Đúng với định nghĩa của “tác chiến trong thành phố”.
Như câu chuyện mà Audrey Garric và Damien Leloup của tờ Le Monde thuật lại hôm 09/01: “Ông ơi? Chuyện gì đang xảy ra ở đó vậy?”, một bé trai độ 10 tuổi đứng ở cửa sổ một căn hộ gọi giật một người qua đường để hỏi thăm. “Là chiến tranh”, người đàn ông trả lời. Lúc đó là 14g, khu cửa ô Vincennes ở Paris, cảnh sát triển khai lực lượng đáng kể. Một trực thăng, hàng chục xe cảnh sát, cấp cứu, cứu hỏa... Trong chốc lát họ đông đến mấy trăm người”. Còn ở thị trấn Dammartin-en-Goele là nửa tá trực thăng cùng mấy trăm xe cảnh sát các loại...
Từ nay, các chính phủ không chỉ phải lo canh gác các sân bay, nhà ga, khám hành khách đáp máy bay, rà kim loại dò bom..., mà sẽ phải lo đáp ứng mỗi khi có “chiến tranh trong đường phố”! Nỗi sợ “có bom” nở rộ từ sau sự kiện 11/09 nay đã được thay thế bằng một nỗi sợ khác.
Và đây chính là mục tiêu các tổ chức khủng bố nhắm đến: tạo ra một tình trạng bất ổn, một sự dị ứng của dân chúng trước sự hiện diện quân sự của an ninh, từ đó làm dấy lên một số tình cảm bài ngoại, đồng thời kích động các phong trào cực đoan bài ngoại sẵn có. Xã hội vì thế phân hóa nhanh chóng: một bên là bài ngoại, một bên là chống bài ngoại.
Chuyện súng ống ở Pháp
Việc những tên khủng bố có trong tay tiểu liên, súng phóng lựu... để giết người đã khiến truyền thông Pháp phải đặt câu hỏi: súng ống đó chúng có từ đâu?
Báo Le Figaro cho biết mua trên mạng dễ như không! Theo tờ báo này, từ khi người dân được đi lại tự do giữa các nước trong Liên minh châu Âu (EU), súng ống cũng có cơ hội lan tỏa trong giới tội phạm. Giá súng ống dao động khoảng 250-3.000 euro tùy chất lượng sản phẩm.
Nhà nghiên cứu Fabrice Rizzoli, chủ tịch Hiệp hội Crim’HALT, trả lời trên báo Atlantico rằng súng ống của các tên khủng bố vừa qua ở Paris chắc chắn mua từ những đường dây có tổ chức chặt chẽ: “Vũ khí có thể thông qua các băng nhóm tội phạm lớn có tổ chức hoặc các nhóm người Libăng hoặc Syria thu gom vũ khí từ Trung Đông”.
Theo ông, buôn vũ khí hấp dẫn các băng đảng bởi chúng có thể mua với giá 450 euro từ khu vực Balkan và bán lại với giá 2.000-2.500 euro ở Paris. Một báo cáo hồi năm 2013 của SIRASCO nhận định: “Theo ghi nhận của Cơ quan nghiên cứu tình báo Paris, những kẻ bán vũ khí chủ yếu là những người sưu tập và công dân thuộc khối Nam Tư cũ. Vũ khí đến Pháp theo ngõ đường bộ, chia nhỏ từng bộ phận chuyên chở bằng ôtô để tránh bị phát hiện. Nhìn chung đó là những đường dây cung cấp vũ khí nhắm đến đối tượng mua tại các khu đô thị “nóng” ở vùng Paris”.
Còn nhà báo Jérôme Pierrat, chuyên nghiên cứu về băng đảng có tổ chức, cho biết hồi năm 2008, cảnh sát Pháp từng bắt giữ lô hàng 50 khẩu tiểu liên do các cựu binh sĩ ở Croatia bán lại. Vũ khí đến từ khu vực Balkan vì nơi đó từng có nhiều xưởng sản xuất tiểu liên thời Liên Xô (cũ), như tại Bosnia từng có đến 17 xưởng và sau khi Liên Xô tan rã, các kho tiểu liên còn rất nhiều và bị phát tán.
Ngày nay còn có loại tiểu liên “nhái” do Trung Quốc sản xuất dành cho các nhà sưu tập. Với loại này, những người được hướng dẫn dùng vũ khí cũng có thể biến nó thành công cụ giết người.
N.QUÂN
|