Theo AFP, hiện Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tạm hoãn quyết định cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine để chờ kết quả cuộc họp bốn bên Nga, Ukraine, Đức và Pháp. Tuy nhiên Washington đã lên danh sách những loại vũ khí có thể cung cấp cho Kiev.
|
Quân đội Mỹ sử dụng tên lửa chống tăng hạng nhẹ M-72 - Ảnh: Military.com |
Tên lửa chống tăng
Các chuyên gia quân sự Mỹ xác định quân đội Ukraine rất cần các loại tên lửa chống xe tăng và xe bọc thép để kháng cự những đợt tấn công của lực lượng ly khai. Trong thời gian qua, các xe tăng và xe bọc thép của quân ly khai di chuyển khá tự do ở miền đông Ukraine mà không bị cản trở.
Tên lửa chống tăng hạng nhẹ là loại tên lửa vác vai, có tính di động cao và không cần đào tạo lâu để sử dụng. “Nga đã đưa hàng trăm khí tài hạng nặng sang miền đông Ukraine, bao gồm các xe tăng và xe bọc thép. Tên lửa chống tăng sẽ giúp vô hiệu hóa lợi thế mà phe ly khai đang sở hữu” - cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine John Herbst đánh giá.
Các quan chức quân sự cho biết Washington có thể lựa chọn cung cấp tên lửa M-72 cho Ukraine. Loại tên lửa này được phát triển từ thập niên 1960, được Mỹ sử dụng đại trà trong chiến tranh Iraq và Afghanistan. M-72 có tầm bắn 170-220 m, giá mỗi quả khoảng 900 USD.
Tên lửa AT4 của quân đội Mỹ có tầm bắn lên tới 300 m và có giá vào khoảng 1.480 USD/quả. Phía Mỹ cũng có thể viện trợ cho Ukraine tên lửa hiện đại Javelin có tầm bắn lên đến 2.500 m, có thể phá hủy cả xe tăng và trực thăng. Tuy nhiên tên lửa Javelin rất nặng và đắt, tốn tới 246.000 USD/quả.
|
Tên lửa chống tăng AT4 có tầm bắn xa hơn và chi phí đắt hơn tên lửa M-72 - Ảnh: Military.com |
Radar chống pháo kích
Trong thời gian qua quân đội Ukraine thiệt hại nặng nề vì những đợt pháo kích của phe ly khai. Các tư lệnh Mỹ cho biết hiện Ukraine đang rất cần những hệ thống radar có thể phát hiện đạn pháo bắn tới nhằm bảo vệ binh sĩ và bắn trả lại chính xác hơn. Trước đó Washington đã cung cấp radar chống súng cối cho Ukraine.
Các đồng minh của Mỹ tại châu Âu cũng có thể sẽ cung cấp cho Ukraine loại radar này bởi nó được xem là vũ khí “phi sát thương”. Washington cũng đang xem xét hỗ trợ cho quân đội Ukraine xe bọc thép Humvee để giúp lính Ukraine di chuyển với tốc độ cao và an toàn hơn.
|
Một binh sĩ Mỹ phóng máy bay không người lái Raven lên trời - Ảnh: Military.com |
Máy bay không người lái
Hiện quân ly khai thân Nga đang sử dụng máy bay không người lái để định vị các mục tiêu pháo kích. Chính quyền Mỹ đang xem xét cung cấp cho Ukraine loại máy bay không người lái “chiến thuật” cỡ nhỏ để giúp quân đội nước này phát hiện mục tiêu kẻ thù từ xa.
Những máy bay không người lái kiểu này như ScanEagle hay Raven khá nhỏ, binh sĩ sử dụng chỉ cần phóng nó vào không khí giống như máy bay đồ chơi. ScanEagle dài 1,2m, sải cánh 3m, còn Raven chỉ dài 1m và sải cánh 1,4m. Chúng có thể bay trên không trong nhiều giờ và gửi video do thám về cho sở chỉ huy.
|
Máy bay không người lái Scaneagle - Ảnh: Military.com |
Radio bảo mật
Lực lượng ly khai thân Nga đang dễ dàng nghe lén các cuộc điện đàm của binh sĩ Ukraine.
Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimlin thừa nhận: “Quân ly khai có thể nghe các binh sĩ của chúng ta nói chuyện bằng điện thoại di động để ngắm bắn”. Chính phủ Mỹ đang xem xét hỗ trợ cho Ukraine các thiết bị liên lạc và chống nghẽn mạng.
Tình báo
Chính phủ Mỹ đang xem xét chia sẻ với Ukraine thông tin tình báo từ vệ tinh về các chuyển động của lực lượng Nga tại biên giới và của các tay súng ly khai. Cựu tư lệnh NATO James Stavridis cho biết quân đội Ukraine đã bị tình báo Nga xâm nhập. Do đó việc Washington chia sẻ thông tin tình báo sẽ giúp Kiev giữ bí mật được chiến lược của mình.
Ông Stavridis cũng cho biết Mỹ có thể tư vấn năng lực phòng vệ mạng cho Ukraine để giúp Kiev đối phó với những đợt tấn công mạng nhắm vào mạng lưới quân sự và hệ thống hậu cần của nước này.
Đạn dược
Cả Mỹ và các đồng minh NATO đều đang xem xét cung cấp đạn dược và các thiết bị quân sự như ống nhòm ban đêm để hỗ trợ quân đội Ukraine. Cựu tư lệnh NATO Stavridis cho rằng đảm bảo hệ thống hậu cần là tối quan trọng đối với quân đội Ukraine.